Khó chịu về thể chất, chẳng hạn như cảm lạnh, sẽ khiến cả người trở nên lười biếng, không muốn cử động, chân tay yếu ớt, dễ chóng mặt. Đây là những biểu hiện thường thấy khi cơ thể đang ở trạng thái áp lực cao, tập trung hết sức để chống lại vi trùng hoặc vi rút.
Trong trạng thái này, nhiều người không muốn tập thể dục mà chỉ dành thời gian nghỉ ngơi. Không ít người lại cho rằng, tiếp tục tập luyện sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch của bạn và giúp cơ thể sớm hồi phục hơn.
Vậy làm như thế nào mới là thích hợp nhất?
Đánh giá theo “Nguyên tắc cổ”
Richard E. Besser, biên tập viên y tế và sức khỏe chính của ABC News, từng làm việc tại CDC, khuyến nghị mọi người nên sử dụng “nguyên tắc cổ”.
Nguyên tắc này như sau: Nếu các triệu chứng xuất hiện phía trên cổ, chẳng hạn như hắt hơi, đau mũi, nghẹt mũi và không sốt, bạn có thể hoạt động thể chất từ nhẹ đến trung bình. Cơ thể vẫn đủ sức để bạn tiến hành một buổi tập luyện tốt và đổ mồ hôi. Đôi khi, việc này còn giúp làm ấm cơ thể, hạn chế tình trạng sổ mũi và hắt hơi, giúp tình trạng bệnh thuyên giảm. Khoang mũi được thông thoáng, bớt nghẹt mũi thì cảm giác cũng dễ chịu hơn.
Còn nếu bạn có các triệu chứng “dưới cổ”, chẳng hạn như tức ngực, ho hoặc đau bụng thì không nên tập thể dục.
Ngoài ra, nếu bạn bị sốt, mệt mỏi hoặc đau nhức cơ toàn thân thì chuyên gia cũng đề nghị bạn nên nghỉ ngơi, không ham tập luyện vào thời điểm này.