Vì sao các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động?

Vì sao các ngân hàng giảm mạnh lãi suất huy động?

Lãi suất huy động tiền gửi ở các ngân hàng thương mại đầu tháng 7 giảm mạnh cho dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) không hề có sự thay đổi nào trong chính sách điều hành. Tiên phong giảm lãi suất là các ngân hàng đang chiếm thị phần lớn nhất về tiền gửi như Vietcombank, BIDV, VietinBank, Techcombank, VPBank, Sacombank, HDBank, VIB…Một số ngân hàng khác cho biết cũng sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động kể từ đầu tuần tới, tức từ 6/7.

Hiện tại tiền gửi kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở các ngân hàng lớn phổ biến chỉ còn 3,4% cho đến 3,95%/năm, thấp hơn nhiều mức trần 4,25%/năm mà NHNN cho phép, trong đó thấp nhất thuộc về Techcombank. Kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng lãi suất chỉ 4,4% – 6,3%/năm, thấp nhất là ở nhóm các ngân hàng thương mại Nhà nước. Kỳ hạn từ 12 tháng trở lên lãi suất dao động từ 6% – 6,5%/năm, cá biệt các khoản tiền gửi lớn hàng chục tỷ đồng cho tới hàng trăm tỷ đồng được một số ngân hàng cộng thêm lãi suất cho kỳ hạn dài nhưng cao nhất cũng chỉ 7,3%/năm. 

Ở nhóm các ngân hàng nhỏ, nếu trước đây lãi suất dưới 6 tháng hầu hết niêm yết kịch trần là 4,25%/năm thì hiện cũng để khoảng cách, cao nhất là 4,2%/năm, nhiều ngân hàng niêm yết chỉ 3,8 – 4%/năm – không khác biểu lãi suất của các ngân hàng lớn. Lãi suất từ 6 tháng đến 11 tháng phổ biến là trên dưới 7%/năm còn 12 tháng trở lên hầu hết cũng đã rút xuống dưới 8%/năm, một số ít trường hợp các nhà băng trả lãi trên 8%/năm cho khách hàng VIP với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng trở lên.

So với biểu lãi suất áp dụng trước giai đoạn ngày 01/7, biểu lãi suất mới ở các ngân hàng hiện thấp hơn khoảng 0,25 – 0,5 điểm phần trăm.

Không chỉ đối với tiền đồng mà lãi suất tiền gửi ngoại tệ như JPY (yên Nhật) hay AUD (đô la Úc) cũng được các ngân hàng điều chỉnh giảm mạnh so với giai đoạn 30/6 trở về trước, có nơi mức giảm tới 1% (ví dụ VPBank, Sacombank). Sự điều chỉnh đồng loạt và mạnh tay của các ngân hàng đang thực sự thu hút sự chú ý của thị trường.

Theo ông Phạm Mạnh Thắng, phó Tổng giám đốc Vietcombank, việc các ngân hàng giảm lãi suất chủ yếu do cung cầu thị trường, cũng là theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước để có thể giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế. 

Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Trung, Tổng giám đốc Vietcapital Bank cho biết, hạ lãi suất huy động là cơ sở vững nhất để giảm lãi suất cho vay và là công cụ cần thiết để các ngân hàng đồng hành cùng khách hàng trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Ngoài ra, hệ thống ngân hàng đang dư thừa thanh khoản nên việc hạ lãi suất cũng là điều hợp lý. Ông Trung cho biết thêm ngân hàng Bản Việt cũng sẽ điều chỉnh giảm lãi suất huy động kể từ đầu tuần tới.

Trong khi đó một lãnh đạo vụ chức năng của Ngân hàng Nhà nước chia sẻ rằng cơ quan quản lý rất hoan nghênh động thái của các ngân hàng thương mại. Khi lãi suất huy động giảm thì các ngân hàng sẽ có thêm dư địa để hạ tiếp lãi suất cho vay – là điều mà cả Chính phủ, NHNN và toàn nền kinh tế đang mong đợi. Vị lãnh đạo này cho biết thêm về chính sách lãi suất điều hành của NHNN thời gian tới sẽ không có gì thay đổi.

Còn theo ý kiến của một số chuyên gia, sự điều chỉnh lãi suất hiện nay là tất yếu bởi lẽ các ngân hàng đang thừa vốn trong khi tín dụng lại không đẩy nhanh được. Theo số liệu thống kê, trong 6 tháng đầu năm tăng trưởng tín dụng, bao gồm cả cho vay cá nhân, tổ chức và trái phiếu doanh nghiệp, mới đạt hơn 2% – là mức thấp nhất trong cùng kỳ 5 năm trở lại đây. “Ngân hàng cứ huy động nhiều, trả lãi cao mà không cho vay được hoặc cho vay rẻ thì chỉ càng thêm lỗ” – một chuyên gia nhận xét.

Ngoài ra, dưới tác động của dịch bệnh Covid-19 và lệnh đóng cửa biên giới ở các nước, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng gặp khó khăn, không xuất nhập khẩu hàng hóa được nên nhu cầu vay ngoại tệ theo đó giảm sút, buộc các ngân hàng phải điều chỉnh giảm lãi suất huy động đối với cả các ngoại tệ ngoài USD (vốn đang ở mức 0%) như AUD, Euro hay JPY. Một số ngân hàng đã phát đi thông báo từ 01/7 các khoản tiền gửi tái tục bằng AUD, JPY chỉ được hưởng lãi 0% thay vì 0,2 – 1,3%/năm như trước.

Các chuyên gia đồng thời dự báo mặt bằng lãi suất trên cả thị trường 1 lẫn thị trường 2 thời gian tới sẽ duy trì ở mức thấp do tín dụng chưa thể bứt phá trong bối cảnh dịch bệnh trên thế giới còn diễn biến phức tạp.