Thị trường Apple Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD và dự tăng thêm 40% sang năm 2022: Hàng xách tay dần hết chỗ, cơ hội mở rộng với FPT Shop, TopZone

Thị trường Apple Việt Nam đạt 1,5 tỷ USD và dự tăng thêm 40% sang năm 2022: Hàng xách tay dần hết chỗ, cơ hội mở rộng với FPT Shop, TopZone

Đã là Apple Fan thì người ta phải đổi series mới thôi

Từ năm 2020, thị trường điện thoại di động Việt Nam chứng kiến sự tăng trưởng mạnh của Apple, thậm chí thay thế Realme để trở thành thương hiệu điện thoại di động lớn thứ năm. Việc tăng thị phần tích cực của Apple đã được hỗ trợ bởi (i) nỗ lực giành thị phần tại Việt Nam khi từ tháng 7/2020 Apple đã ký kết hợp tác với DGW, PET, FPT Synnex và Viettel để phân phối các sản phẩm được ủy quyền của mình tại Việt Nam; (ii) rút ngắn thời gian ra mắt sản phẩm mới giữa Việt Nam và các quốc gia khác, thu hẹp khoảng cách về giá giữa các sản phẩm chính hãng với xách tay.

Đặc biệt, Quyết định 98/2020 của Chính phủ quy định về các sản phẩm xách tay, cùng với những khó khăn về vận chuyển trong bối cảnh Covid-19 đã góp phần thúc đẩy tiêu thụ hàng ủy quyền tốt hơn.

Trong chia sẻ mới đây của đại diện CTCP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) là ông Đoàn Văn Hiểu Em, trước hết nói về dòng sản phẩm mới iPhone 13. Nếu đánh giá sản phẩm nhìn thoáng qua, iPhone iPhone 13 và 12 không khác biệt. Nhưng, nếu ai trải nghiệm qua iPhone 13 sẽ cảm nhận rất rõ sự nâng cấp mạnh về cấu hình, đặc biệt giá cũng hợp lý.

“Mà đã là Apple Fan thì người ta phải đổi thôi“, ông Hiểu Em nhấn mạnh. Ghi nhận 2 năm trở lại đây, sản phẩm iPhone rất “hot” tại Việt Nam, và riêng năm 2021 thì tình hình xách tay iPhone giảm mạnh xuống mức rất thấp. Đây là cơ hội để các nhà bán hàng chính ngạch và MWG gia tăng số lượng.

Topzone dự kiến đạt không dưới 30 tỷ đồng doanh thu mỗi cửa hàng trong tháng 11