Vespa cổ và những khoảng trầm
Tuy ra đời từ năm 1946 nhưng phải đến năm 1953, những chiếc Vespa đầu tiên mới theo chân những người Pháp xuất hiện tại Việt Nam. Người quản đốc xưởng Avia chuyên về sửa chữa, sản xuất phụ tùng ô tô tên Vĩnh được cho là người Việt đầu tiên sở hữu một chiếc Vespa Acma.
Khi đó, Vespa là một dòng xe mang tính biểu tượng, thường được giới trung lưu, thượng lưu lịch lãm thời bấy giờ ưa chuộng. Người ta thường bắt gặp hình ảnh những người đàn ông ăn vận lịch sự hoặc những cô gái cá tính với trang phục hợp thời ngồi trên chiếc Vespa dạo phố. Vespa dần trở nên phổ biến và trở thành phương tiện quen thuộc của nhiều người sống ở miền Nam Việt Nam hơn, đặc biệt là trong giai đoạn từ 1958 đến 1975.
Vespa dần vắng bóng trên các ngả đường Việt Nam vào những năm 1970-1980 bởi nhiều lý do, phần vì đây là giai đoạn khó khăn của đất nước sau giải phóng, phần vì thiếu thợ sửa xe, phụ tùng thay thế vô cùng khan hiếm và cũng bởi Vespa thời đó “uống” xăng như nước. Giai đoạn này, những chiếc Vespa đành phải chịu cảnh “trùm chăn” ở nhà hoặc bị bỏ xó nắng mưa.
Đến cuối những năm 80, cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn, những chiếc Vespa cổ lâu nay “đắp chiếu” trong nhà đã được chủ nhân lấy ra “tút tát” lại. Lác đác, những chiếc Vespa lại thấy xuất hiện trên đường phố Việt. Nhưng khi đó cũng là thời điểm “cơn bão” xe “Nhật bãi”, xe Tàu bùng nổ, khiến dân chơi Vespa vừa mới nhen nhóm trở lại đã tiếp tục bị vùi dập ít nhiều. Phải đến khi đất nước mở cửa, những Việt kiều xa quê về nước, du khách nước ngoài cũng tìm đến Việt Nam du lịch. Cái đẹp tiềm ẩn của Vespa cổ một lần nữa được khơi dậy.
Một thợ sửa xe trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh kể lại: “Thời đó, Vespa rẻ lắm, dân thu gom mỗi lần đem về tiệm cả xe tải. Người đi thu gom chủ yếu buôn bán là chính, chứ cũng chưa phải là dân mê Vespa cổ…” Những chiếc xe Vespa sau khi được tân trang đẹp đẽ được xuất đi nước ngoài, số ít còn lại được lác đác các tay chơi Vespa cổ sở hữu – minh chứng rằng Vespa dần dần hồi sinh.
Vespa và sự hồi sinh rực rỡ