Được mô tả là “thách thức vận tải đơn lẻ lớn nhất từ trước đến nay”, IATA kêu gọi các chính phủ chuẩn bị sẵn sàng cho việc cung cấp vắc xin Covid-19 trên quy mô lớn. Ngay kể cả khi có đủ số vắc xin để đáp ứng nhu cầu của cả thế giới, vẫn phải có kế hoạch cẩn thận để tránh các mối nguy tiềm ẩn có thể xảy ra trong cả quá trình.
“Quy mô của hoạt động vận tải là rất lớn. Nếu mỗi người chỉ tiêm một liều duy nhất, cần 8.000 máy bay Boeing 747 phiên bản chở hàng để có thể mang thuốc cho 7,8 tỷ người”, IATA cho biết hôm 9/9. Vào tháng 3 năm nay, dân số thế giới được ước đạt lên tới 7,8 tỷ người.
Theo IATA, vận tải đường bộ sẽ phát huy hiệu quả, đặc biệt là ở các nền kinh tế phát triển có năng lực sản xuất lớn. Tuy nhiên, vắc xin không thể được phân phối trên toàn cầu mà không có sự hỗ trợ của hình thức vận tải hàng không.
Đó cũng là lý do IATA kêu gọi các chính phủ lập kế hoạch với các bên liên quan để đảm bảo khả năng vận tải khi có một hoặc nhiều loại vắc xin Covid-19 được phê duyệt và sản xuất hàng loạt. Tới thời điểm hiện tại, có nhiều loại vắc xin đang được thử nghiệm giai đoạn cuối. Nga là quốc gia duy nhất phê duyệt vắc xin chống Covid-19 do mình sản xuất.
IATA lưu ý rằng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không đóng vai trò quan trọng trong việc phân phối vắc xin bởi nó đòi hỏi một hệ thống phân phối linh hoạt và ổn định về mặt nhiệt độ đi khắp thế giới. Thực tế, vận chuyển vắc xin không đơn giản bởi những yêu cầu khắt khe của “loại hàng hóa giá trị cao” này.
Cụ thể, các chuyến bay phải đáp ứng được các quy định quốc tế, bao gồm kiểm soát nhiệt độ, đúng thời gian để đảm bảo chất lượng sản phẩm. Trong khi đó, tất cả những điều này được tiến hành trên một quy lớn, điều chưa từng xảy ra với một nhiệm vụ đơn lẻ.
Hiện nay, ưu tiên hàng đầu của các chính phủ là đảm bảo cơ sở vật chất, an ninh cùng các quy trình thông qua hàng hóa để đảm bảo vắc xin có chất lượng cao nhất. Thậm chí, IATA còn khuyến nghị các nước xây mới hoặc sửa chữa các công trình sẵn có để đảm bảo chúng có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe trong việc vận tải vắc xin. Nguồn nhân lực, bao gồm những người được đào tạo, cũng cần thiết để hạn chế những rủi ro có thể có.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành khiến ngành vận tải hàng không chịu thiệt hại nặng nề, IATA cũng cảnh báo các chính phủ nên chuẩn bị sớm. Việc sụt giảm lượng hành khách buộc nhiều hàng hàng không cắt giảm quy mô và đưa các máy bay vào tình trạng dừng hoạt động kéo dài, thậm chí là đưa vào kho lưu trữ. Điều này khiến năng lực vận tải hàng không sụt giảm nghiêm trọng.
“Nếu các nước vẫn tiếp tục đóng cửa biên giới, hạn chế đi lại, đội tàu bay ngừng hoạt động sẽ tăng lên. Cùng với đó là những tổn thất về nhân lực cũng như năng lực hoạt động của các hàng. Điều này gây tổn hại nghiêm trọng cho nỗ lực vận tải vắc xin trong trường hợp con người có công cụ hiệu quả chống lại Covid-19”, Tổng giám đốc IATA Alexandre de Juniac cảnh báo.
Tham khảo: CNBC