Con số đầu tiên là tổng lượng nợ doanh nghiệp Trung Quốc sẽ đến hạn trong 12 tháng tới. Con số thứ 2 là quy mô của thị trường trái phiếu chính phủ đại lục đang ở trạng thái bấp bênh. Những yếu tố này có thể không quá nghiêm trọng nếu “bộ phim” vỡ nợ không xảy ra đối với công ty quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước China Huarong Asset Management – đang được coi là “phép thử” cho nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Huarong là 1 trong 4 “gã khổng lồ” ngành quản lý tài sản được thành lập vào năm 1999, theo phản ứng của chính phủ với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á 2 năm trước đó. Chức năng của công ty này là một kho lưu trữ ổn định cho các khoản nợ xấu trị giá hàng tỷ USD của các công ty nhà nước. Có thể nói, Huarong là một “ngân hàng nắm giữ nợ xấu”. Công ty này được cho là hoạt động như một hàng rào bảo vệ chống lại một cuộc khủng hoảng tài chính, chứ không phải tạo ra khủng hoảng.
Dẫu vậy, Huarong hiện đang là tâm điểm của những mối lo ngại về việc liệu các doanh nghiệp Trung Quốc có thể đáp ứng các nghĩa vụ nợ trong nước vào năm nay hay không. Chỉ riêng trong năm nay, Huarong phải trả khoản nợ trị giá khoảng 6,2 tỷ USD.
Trường hợp đầy căng thẳng này mang tính biểu tượng cho mục tiêu cân bằng mà ông Tập đối mặt trong năm nay. Đó là thực hiện hiệu quả việc giảm bớt đòn bẩy, có nghĩa là cho phép nhiều vụ vỡ nợ hơn xảy ra, đồng thời chứng minh cho nhà đầu tư toàn cầu thấy rằng thị trường trái phiếu đại lục là nơi an toàn để đầu tư.
Việc để Huarong cùng khối nợ 42 tỷ USD cả trong và ngoài nước cho “các lực lượng thị trường” giải quyết sẽ định hướng cho cách thức ông Tập cải cách thị trường. Mặt khác, những vấn đề, rủi ro chắc chắn xảy ra có thể sẽ khiến những quỹ trái phiếu lớn nhất thế giới tháo chạy khỏi thị trường nợ Trung Quốc.
Mối lo ngại về việc khối ngoại rút vốn có thể giải thích lý do tại sao thị trường dường như đang đặt cược vào giải pháp của chính phủ đối với những vấn đề của Huarong. Tình thế “ngàn cân treo sợi tóc” của Huarong đã xảy ra từ trước chủ tịch Wang Zhenfeng nhậm chức, những vấn đề nổ ra dưới thời của Lai Xiaomin – người nhận án tử hình hồi tháng 1 do tham nhũng.
Tổng lượng nợ doanh nghiệp Trung Quốc trong nước đến hạn trong năm nay nhiều hơn gần 1/3 so với Mỹ và hơn 60% so với toàn bộ châu Âu. Số tiền này thậm chí có thể thực hiện 2 lần mua lại Alibaba. Hơn nữa, những khoản nợ này đến hạn trong bối cảnh Trung Quốc đối mặt với làn sóng vỡ nợ chưa từng có đối với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong nước.
Những yếu tố rạn nứt trong hệ thống tài chính này đã khiến quá trình hồi phục hậu Covid-19 của Trung Quốc gặp khó khăn hơn.
Hiện tại, Trung Quốc vẫn đang dẫn đầu thế giới về tốc độ hồi phục sau đại dịch và hoạt động xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cùng các quốc gia châu Á vẫn đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, các nhà phân tích vẫn gióng lên hồi chuông cảnh báo về bong bóng, ví dụ như giá nhà đang tăng cao hơn. Trong khi đó, giá nguyên liệu thô tăng vọt làm tăng mối lo ngại về việc tích trữ và lạm phát tăng nóng.
Khối nợ chồng chất vẫn là mối lo ngại lâu dài. Song, trung Quốc có thể giải quyết tình trạng này nhờ nguồn lực tài chính. PBOC đã không đi theo hướng nới lỏng định lượng, mà bơm tiền vào thị trường ở những thời điểm hỗn loạn. Ví dụ, mùa hè năm 2015, Shanghai Composite giảm 30% chỉ trong vài tuần, Tập đoàn Tài chính Chứng khoán Trung Quốc (CSFC) đã nhanh chóng bơm tiền để ứng cứu.
Dẫu vậy, việc nhà nước cứu trợ Huarong có thể khiến nhà đầu tư nước ngoài nản lòng, cũng như kích thích nhóm chấp nhận rủi ro. Nếu những nhà đi vay trong nước rút ra bài học từ Huarong là tăng thêm đòn bẩy là an toàn, thì hy vọng cải cách của Trung Quốc sẽ thất bại.
Một vấn đề khác, đó là giải cứu Huarong sẽ không hề dễ dàng. Theo Dinny McHahon – chuyên gia đến từ Enodo Economics, quy mô của công ty này là chưa từng có. Huarong lớn hơn khoảng 70% so với Hengfeng Bank – định chế tài chính lớn nhất được nhà nước hậu thuẫn trong những năm gần đây.
Ông cho hay: “Hơn nữa, trong khoản nợ 42 tỷ USD của Huarong được huy động trên thị trường trái phiếu, có 23,2 tỷ USD đến từ nước ngoài.”
Điều đáng chú ý là Huarong do Bộ Tài chính Trung Quốc sở hữu, nắm giữ 57% cổ phần. Các nhà cải cách của ông Tập tìm cách thay đổi nhận thức rằng những công ty nhà nước như vậy không phải chịu sự can thiệp quá mức của họ. Điều này gợi nhớ về việc Huarong đóng vai trò là mô hình thu nhỏ cho những cuộc khủng hoảng tài chính 1997, 2008 và 2020 khi thị trường hỗn loạn vì Covid-19.
McMahon nhận định: “Những vấn đề của Huarong không phải là mới. Nguyên nhân là do hoạt động cho vay thiếu kiểm soát và khả năng mở rộng quá mức trong những năm sau khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – thời điểm các cơ quan quản lý tài chính Trung Quốc không thể kiểm soát rủi ro. Trường hợp của Huarong có thể báo trước 1 năm đầy thử thách đối với các cơ quan quản lý.”
Theo Forbes, dù những lo ngại xung quanh trường hợp của Huarong hầu hết liên quan đến nợ doanh nghiệp, nhưng hệ thống xếp hạng tín dụng yếu kém, thiếu minh bạch và cơ chế thị trường kém phát triển đều là những yếu tố khiến tình hình trầm trọng hơn và gây rủi ro cho câu chuyện hồi phục của Trung Quốc.
Tham khảo Forbes