Có không ít người trẻ phân vân giữa 2 lối sống “YOLO” – chúng ta chỉ sống một lần trên đời và sống phải lo nghĩ cho tương lai – học cách tiết kiệm. Họ vừa muốn được tận hưởng cuộc sống ở hiện tại, vừa muốn tương lai thêm phần ổn định hơn. Sự xung đột này khiến cho kế hoạch chi tiêu trở nên lộn xộn, không có mục tiêu cụ thể và rõ ràng.
Không phải tự nhiên mà người xưa đã luôn coi tiết kiệm là phẩm chất, đạo đức cần thiết của con người. Trải qua thời gian và thăng trầm của cuộc đời, chúng ta mới nhận ra, sự khác biệt giữa người tiết kiệm và người không tiết kiệm sẽ lớn đến nhường nào.
Sau đây là 2 trường hợp đáng để bạn phải suy ngẫm.
Sống cần tận hưởng, chi tiêu khỏi nghĩ
Ông Vương đã 65 tuổi, nghỉ hưu được 5 năm, nhưng toàn bộ tài sản hiện giờ không có tới 72 triệu đồng. Khi bà Vương lâm trọng bệnh, trong nhà không có đủ tiền chăm sóc chu đáo nên chỉ một thời gian sau khi phẫu thuật, sức khỏe của bà đã suy giảm đáng kể rồi qua đời. Bấy giờ, ông Vương nhớ lại thời điểm nhận được số tiền lớn khi vừa mới nghỉ hưu, tự trách bản thân đã tiêu xài hoang phí.
Khi đó, dù chỉ thường xuyên ở nhà, ông vẫn không tiếc bỏ ra số tiền lên tới 650 triệu đồng để mua một chiếc ô tô, thuận tiện đi lại. Ông cũng thường xuyên mời bạn bè tới nhà ăn uống, liên hoan. Khi đi mua đồ, ông cũng có xu hướng mua mọi thứ mình thích mà không quan tâm tới giá cả. Nhờ vậy, ông được tận hưởng cuộc sống thoải mái và nhàn hạ mà ai nhìn vào cũng phải ngưỡng mộ.
Vì không có sở thích nào quá đắt đỏ, cuộc sống của đôi vợ chồng già cũng không tốn kém quá nhiều nên ông Vương không bao giờ lo lắng đến vấn đề tiết kiệm tiền. Ông luôn cho rằng, dù có tiêu xài thoải mái chục năm nữa cũng chưa hết được khoản tiền về hưu.
Mọi chuyện chỉ bắt đầu thay đổi khi vợ ông Vương cảm thấy cơ thể có nhiều dấu hiệu bất thường. Việc ăn uống trở nên khó khăn, thường xuyên đau rát họng, uống thuốc đều không thấy đỡ. Sau khi quyết định đi khám, bà bị phát hiện đang mắc ung thư thực quản.
Lúc đó, chỉ tính riêng chi phí phẫu thuật, thuốc thang và điều trị lên tới gần 400 triệu đồng. Khoản chi phí này đã chiếm hết số tiền trong tay ông Vương, khiến hai vợ chồng bắt đầu cảm nhận được áp lực tài chính.