Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc nhà ở CBRE Việt Nam đã chỉ ra 3 khu vực có sự biến động giá BĐS cũng như thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong thời gian qua.
Theo vị chuyên gia này, xét các tỉnh lân cận Tp.HCM thì Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 3 khu vực có tốc độ phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng, thu hút các nhà đầu tư BĐS tham gia thời gian qua.
Cụ thể, tại Bình Dương mặc dù không sôi động như 10 năm trước nhưng đây vẫn là thị trường BĐS đối trọng của Tp.HCM. Năm 2020, khi phân khúc căn hộ tại Tp.HCM cạn kiệt nguồn cung thì Dĩ An, Bình Dương xuất hiện loạt dự án nhà ở phân khúc trung cấp, bổ sung nguồn cung cho HCM. Thời điểm đó, khá nhiều NĐT từ Tp.HCM đã đổ về Bình Dương để đầu tư BĐS.
Riêng ở phân khúc đất nền Bình Dương thì điểm sáng nằm ở khu vực Bến Cát, Tân Uyên, trong khi Tp.Thủ Dầu Một, TP Mới thì giao dịch nhà phố khá tốt. Tại Thuận An thì thị trường đa dạng hơn bao gồm cả đất nền, căn hộ, nhà phố, BĐS thương mại…
Một khu vực khác là Đồng Nai, theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, đây là khu vực thời gian qua có nhiều nhà đầu tư đổ về đây để mua BĐS. Nhất là thời điểm sân bay quốc tế Long Thành được triển khai thu hút rất nhiều nhà đầu tư về tìm hiểu phân khúc đất nền, nhất là đất nền phân lô. Ngoài ra, các chủ đầu tư có dự KĐT quy mô tại Nhơn Trạch, Biên Hòa cũng là tâm điểm để thu hút các nhà đầu tư cá nhân về đầu tư BĐS. Đây là khu vực được đánh giá cao về khả năng kết nối hạ tầng giao thông với Tp.HCM và các khu lân cận. Loạt dự án đang được đầu tư, mở rộng, nâng cấp… là trợ lực rất tốt cho thị trường BĐS.
So với 2 thị trường trên, Long An có vẻ trầm lắng hơn. Tuy nhiên, đây là địa phương theo chuyên gia CBRE, phân khúc đất nền hoạt động khá sôi nổi, cùng với đó mấy năm nay xuất hiện các KĐT với đa dạng phân khúc từ đất nền, nhà phố đến biệt thự, shophouse của các chủ đầu tư địa phương và Tp.HCM khiến BĐS nơi đây sôi động. Đây cũng là địa phương thời gian tới sẽ thay thế cho thị trường Tp.HCM phát triển dòng sản phẩm căn hộ giá mềm, trên dưới 1 tỉ đồng/căn, vốn đã tuyệt chủng từ lâu tại Tp.HCM cũng như Bình Dương, Đồng Nai. Sự thay thế này sẽ là lựa chọn tốt cho nhà đầu tư BĐS trong bối cảnh thị trường BĐS tăng giá mạnh, khan hiếm phân khúc nhà giá rẻ.
Đặt câu hỏi, liệu thị trường BĐS Bình Dương có bão hòa khi thời gian qua nơi đây xuất hiện loạt dự án BĐS?, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt cho rằng, bão hòa nghĩa là cung – cầu không còn nữa, thị trường đứng im, điều này chưa đúng với thị trường BĐS nói chung, Bình Dương nói riêng.
Vào giai đoạn năm 2007-2008, khi thị trường BĐS Tp.HCM đóng băng, nhiều nhà đầu tư đổ về Bình Dương để mua đất nền, đất đai khu vực này thời điểm đó sôi động. Sau làn sóng đó, chủ yếu nhà đầu tư mua, không có người mua thực nên các dự án mua xong không ai ở. Lúc đó, thị trường BĐS Bình Dương “hẫng” nhu cầu ở thực nên trở nên trầm lắng. Đến giai đoạn 2019-2020, đây lại là thị trường thay thế cho thị trường căn hộ Tp.HCM, thu hút sự quan tâm của người mua thực và NĐT. Giai đoạn này có hơn 8.000 sản phẩm chào bán.
Theo ông Kiệt, tính bền vững của thị trường BĐS phụ thuộc vào nhu cầu ở thực. Lúc đầu có thể là làn sóng đầu tư nhưng sau đó phải là nhu cầu ở thực. Có như vậy, thị trường mới phát triển bền vững.
Tuy vậy, nói thị trường BĐS Bình Dương đã bão hòa là không đúng. Thị trường này nhu cầu vẫn khá sôi động ở phân khúc đất nền (ở Tân Uyên, Bến Cát), căn hộ tầm trung (ở Dĩ An, Thuận An), thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư.
“Trong bối cảnh hiện nay, nói thị trường BĐS bão hòa là không thực tế. Có chăng, là sự dao động của thị trường, tương quan của xu hướng đầu tư và tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng của khu vực đó. Chẳng hạn, có khoảng thời gian, nhà đầu tư đã đầu tư vào BĐS nhưng tốc độ đầu tư hạ tầng chậm hơn một bước thì khi đó tốc độ giao dịch BĐS không được như kì vọng mong muốn của nhà đầu tư. Với BĐS, thị trường có nhiều yếu tố để tác động, nói bão hòa ở một khu vực nào đó lúc này là quá sớm, và chưa thực tế”, ông Kiệt nhấn mạnh.