Công ty tài chính bắt đầu hỗ trợ người vay: Cơ cấu nợ, tạm hoãn thanh toán 4 tháng, giảm mạnh lãi suất

Công ty tài chính bắt đầu hỗ trợ người vay: Cơ cấu nợ, tạm hoãn thanh toán 4 tháng, giảm mạnh lãi suất

FE Credit – công ty tài chính lớn nhất Việt nam mới đây cho biết, từ tháng 9/2021 đã triển khai hàng loạt chính sách như không giới hạn việc chia nhỏ các khoản thanh toán cho khách hàng có khó khăn về tài chính, tạm hoãn thanh toán trong 4 tháng, xem xét miễn, giảm lãi, phí…đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. 

Về cơ cấu nợ, khách hàng cần tìm hiểu chính sách giảm lãi, cơ cấu nợ của từng ngân hàng, công ty tài chính sẽ được xây dựng cụ thể dựa trên Thông tư 14/2021/TT-NHNN  sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN ngày 13/3/2020 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Theo đó, khách hàng phải chứng minh được mình không có khả năng trả nợ đúng hạn theo hợp đồng, do bị ảnh hưởng của dịch COVID-19. Đồng thời, khách hàng phải có đề nghị được cơ cấu lại thời hạn trả nợ và tổ chức tín dụng đánh giá khách hàng có khả năng trả nợ đầy đủ gốc và/ hoặc lãi theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại. Thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ không được vượt quá 12 tháng kể từ ngày hưởng ưu đãi và phải phù hợp với mức độ ảnh hưởng của dịch COVID-19 đối với từng khách hàng. Tùy theo chính sách của từng tổ chức tín dụng, các đề xuất hỗ trợ  sẽ được đánh giá và phê duyệt phương thức phù hợp cho khách hàng. Cụ thể tại FE CREDIT, khách hàng vui lòng giữ liên lạc với nhân viên phụ trách xử lý tín dụng trong thời gian này  để được tư vấn và xem xét

HD Saison cũng đang triển khai gói vay tiền mặt ưu đãi kéo dài đến 30/9/2021. Theo đó, khách hàng tại các khu vực áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 có thể vay mà không phải chịu áp lực thanh toán vì việc hoàn thành kỳ đầu tiên sẽ bắt đầu trong vòng 4 tháng sau. Lãi theo suất theo chương trình này 1,17%/tháng, tương đương với 14%/năm. 

Đứng trước những khó khăn kéo dài chưa có điểm do đại dịch Covid-19 gây ra, mới đây, Cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) dự báo hình thức cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có dấu hiệu sẽ trở thành xu hướng mới và phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu của người dân trong và sau đại dịch. Để bảo vệ tối đa quyền lợi cho người tiêu dùng (NTD) cũng như lường trước những hậu quả không đáng có, Cục CT&BVNTD đưa ra một số lưu ý cho NTD liên quan đến hình thức cho vay tiêu dùng này.

Cụ thể, cơ quan chức năng lưu ý, khi nhận được dự thảo hợp đồng do TCTD cung cấp, NTD cần đọc, tìm hiểu và nghiên cứu thật kỹ toàn bộ nội dung hợp đồng trước khi quyết định giao kết, trong đó cần lưu ý và cân nhắc kỹ một số nội dung có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của mình. Ví dụ:  Thời hạn cho vay, thời hạn duy trì hạn mức; Lãi suất cho vay,  thời điểm xác định lãi suất,  phương pháp tính lãi; Các trường hợp áp dụng lãi phạt và cách tính; Các loại phí khác mà NTD phải trả (ngoài các khoản phí và lãi cố định); Theo quy định tại hợp đồng,  NTD có được gia hạn nợ hay không? Gia hạn như thế nào? Cách tính lãi và các khoản phí liên quan trong trường hợp này… Quyền và nghĩa vụ của các bên có cân bằng hay không? Có điều khoản nào gây bất lợi cho khách hàng hay không? Chế tài xử lý vi phạm hợp đồng…

Về nghĩa vụ của các công ty tài chính đối với NTD liên quan đến hợp đồng cho vay tiêu dùng, theo Cục, phù hợp với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng số 59/2010/QH12, Thông tư 43/2016/TT-NHNN (được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 18/2019/TT-NHNN) cũng quy định cụ thể về việc các công ty tài chính có nghĩa vụ phải cung cấp cho khách hàng dự thảo hợp đồng cho vay tiêu dùng để khách hàng xem xét, quyết định trước khi ký và phải giải thích chính xác, đầy đủ, trung thực các nội dung cụ thể hợp đồng cho vay tiêu dùng khi có yêu cầu của khách hàng (Khoản 4 Điều 10).

Ngoài các vấn đề về hợp đồng đã lưu ý ở trên, để đảm bảo quyền lợi và an toàn cho chính mình và người thân, NTD cần chủ động tìm hiểu thật kỹ, có những hiểu biết nhất định về hình thức giao dịch mà mình sẽ tham gia trước khi quyết định ký kết hợp đồng; Cân nhắc kỹ, không nên đăng ký khoản vay quá khả năng chi trả của bản thân; Có kế hoạch rõ ràng trong việc cân đối chi tiêu để thanh toán các khoản vay theo kỳ hạn, nghiêm túc sử dụng số tiền đúng mục đích, trả đúng hạn theo quy định tại hợp đồng giữa các bên, nhằm tránh việc trả nợ quá hạn và các khoản lãi phát sinh hoặc mất khả năng thanh toán nợ.