Ngân hàng bán đấu giá nợ xấu: Có sao bán vậy, rủi ro người mua chịu?

Ngân hàng bán đấu giá nợ xấu: Có sao bán vậy, rủi ro người mua chịu?

Phần lớn các khoản nợ xấu tại các ngân hàng có tài sản đảm bảo bằng bất động sản, nên việc ngân hàng công khai thông báo bán đấu giá khoản nợ xấu hoặc đấu giá tài sản đều được các công ty thu hồi nợ hoặc giới kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ quan tâm.

Theo lời một chuyên viên thu hồi nợ, mức chênh lệch giữa giá khởi điểm và khoản vay tùy thuộc vào tài sản đảm bảo, bao gồm giá trị tài sản, tính “sạch sẽ” về mặt pháp lý của tài sản đó,…

Ngân hàng Agribank mới đây đăng tải thông tin bán đấu giá khoản nợ của Công ty TNHH TM DV XNK Sao Bắc (TP.HCM) với giá khởi điểm 21,8 tỷ đồng, trong khi giá trị ghi sổ khoản nợ đến ngày 31/07/2019 lên đến 50 tỷ đồng. Các tài sản đảm bảo liên quan đến khoản nợ gồm 03 thửa đất tại TX Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương với tổng diện tích gần 5.000m2.

Ngân hàng Vietcombank cũng vừa rao bán khoản nợ của Công ty TNHH Thiên Mẫn – một doanh nghiệp kinh doanh cao su tại Đồng Nai – với giá khởi điểm 67 tỷ đồng, trong khi tổng dư nợ tính đến 25/5/2020 là 85 tỷ đồng. Theo Vietcombank, tài sản đảm bảo cho khoản nợ xấu gồm 11.924m2 đất tại xã Tam Phước, huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, và 1 xe ô tô con nhãn hiệu Audi A6.

Ngân hàng BIDV thì thông báo bán đấu giá khoản nợ của một khách hàng doanh nghiệp là Công ty CP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân. Tổng dư nợ tại các khoản nợ này (cả gốc và lãi) lên đến hơn 2.700 tỷ đồng. Các khoản nợ này có tài sản đảm bảo gồm hơn 20 ha đất tại TP.HCM, mức giá khởi điểm được BIDV đưa ra chỉ 800 tỷ đồng.

Theo luật sư Đặng Văn Cường – Đoàn Luật sư TP Hà Nội – khi người vay tiền gặp rủi ro, không có khả năng trả nợ hoặc cố tình không trả nợ, việc đòi nợ sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém chi phí cho các tổ chức tín dụng. Khi bán món nợ xấu của khách hàng, ngân hàng cũng không thu lại được bao nhiêu tiền so với giá trị khoản nợ.

“Trong những trường hợp đó, việc thu được số tiền gốc đã là may, thậm chí nhiều ngân hàng còn mất luôn cả gốc”, luật sư Đặng Văn Cường nói.

Cũng chính vì mục đích “gỡ gạc” phần nào nên các ngân hàng thường bán khoản nợ theo kiểu “có sao bán vậy”, do đó bên mua phải chấp nhận rủi ro có thể xảy ra.

Chẳng hạn như các khoản nợ xấu do Agribank rao bán, nhà băng này cho biết khoản nợ được đấu giá theo nguyên trạng (bao gồm khoản nợ, tình trạng pháp lý và các rủi ro tiềm ẩn) và theo phương thức “có sao bán vậy”.

“Người tham gia đấu giá khoản nợ có trách nhiệm xem xét, tìm hiểu các hồ sơ khoản nợ, tài sản bảo đảm và tự xác định tình trạng của khoản nợ theo hiện trạng thực tế, các hồ sơ pháp lý của khoản nợ và tự xem xét, tìm hiểu tình trạng thực tế của tài sản bảo đảm cho khoản nợ.” – Agribank cho hay.

Điều này đồng nghĩa với việc bên mua khoản nợ cần nhận thức và xác định rõ ràng toàn bộ khoản nợ (có tài sản bảo đảm) có những rủi ro (nếu có). Một khi đã đồng ý tham gia đấu giá, có nghĩa là bên mua tự xác định và chấp nhận mọi rủi ro đối với việc mua khoản nợ này. Công ty đấu giá cũng như ngân hàng không chịu trách nhiệm với bất kỳ rủi ro đối với khoản nợ trên sau khi bên mua nợ trúng đấu giá.