Thưởng Tết, lương tháng 13 có phải khoản bắt buộc?
Theo quy định tại Điều 104 của Bộ luật Lao động 2019 về tiền thưởng như sau:
1. Thưởng là số tiền hoặc tài sản hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.
2. Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Ngoài ra, căn cứ theo quy định tại điểm a, b khoản 1 Điều 112 Bộ luật Lao động năm 2019 thì hàng năm, người lao động trên phạm vi cả nước đều được nghỉ Tết Dương lịch 1 ngày và Tết Âm lịch ít nhất là 5 ngày và được hưởng nguyên lương đối với những ngày này.
Nếu trường hợp người lao động làm việc vào ngày nghỉ lễ, tết thì được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm với ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.
Như vậy, theo quy định tại Bộ luật Lao động 2019 hiện hành, thì không có quy định cụ thể nào về bắt buộc phải trả lương tháng 13, hay thưởng Tết cho người lao động. Mà hiểu chung ở đây là thưởng theo Điều 104 Bộ luật Lao động 2019.
Do pháp luật không yêu cầu doanh nghiệp bắt buộc phải thưởng Tết cho nhân viên, cũng như không quy định mức thưởng Tết cụ thể nên điều này sẽ do doanh nghiệp chủ động. Tùy thuộc vào kết quả sản xuất, kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động đã được quy định trong Quy chế thưởng mà doanh nghiệp quyết định có thưởng Tết hay không.
Ngoài ra, thưởng Tết không nhất thiết phải thưởng bằng tiền, mà có thể thưởng bằng tài sản hoặc các hình thức khác.
Tuy nhiên, kể từ ngày 1/1/2021, Bộ luật Lao động quy định, Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc, sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở đối với nơi có tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.
Vì vậy, đối với các doanh nghiệp đã ban hành Quy chế thưởng, thì phải tiến hành thưởng Tết theo hình thức và mức thưởng như đã cam kết theo Quy chế thưởng đang có hiệu lực.
Mức thưởng Tết năm 2022 có giảm?
Về thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho hay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tình hình lao động, việc làm và tiền lương, tiền thưởng của người lao động giảm so với năm trước.
Mức tiền lương, tiền thưởng cao chủ yếu tập trung vào các ngành có lợi thế, ít chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 như tài chính – ngân hàng, hóa mỹ phẩm, điện tử – công nghệ thông tin, y tế,…
Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tại các doanh nghiệp có báo cáo, ngoài tiền thưởng Tết cho người lao động, các doanh nghiệp còn có nhiều hình thức hỗ trợ thiết thực khác cho người lao động như tặng quà Tết, phiếu mua hàng, lì xì, hỗ trợ tiền tàu xe,…
Về tiền thưởng Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thông tin, mức thưởng bình quân gần bằng 1 tháng lương (6,36 triệu đồng/người), bằng 95% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán 2020 (6,69 triệu đồng/người).
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê, trong 10 tháng đầu năm 2021, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 48.500 đơn vị, bình quân một tháng có 9.700 công ty rút lui khỏi thị trường. Điều này có thể khiến lao động ở một số ngành nghề, doanh nghiệp sẽ rơi vào cảnh thất nghiệp, dẫn đến bị “trống” khoản thưởng Tết.
Tuy nhiên, vào đầu tháng 11/2021, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã ban hành Kế hoạch tổ chức các hoạt động chăm lo cho đoàn viên, người lao động nhân dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Theo đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam dự kiến dành 2.400 tỷ đồng chăm lo khoảng 8 triệu đoàn viên, người lao động trên cả nước dịp Tết Nguyên đán, với phương châm “Tất cả đoàn viên, người lao động đều có Tết”.
Kế hoạch của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu rõ, người lao động có đóng Bảo hiểm xã hội tại doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập có đóng kinh phí công đoàn; cán bộ, công chức, viên chức có hoàn cảnh khó khăn được chăm lo, thăm hỏi từ nguồn tài chính công đoàn với mức 300.000 đồng/người.