Nhiều nhà đầu tư đặt ra câu hỏi, sau hai năm tăng trưởng mạnh mẽ từ đáy khủng hoảng, thị trường chứng khoán liệu có còn hấp dẫn? Ông Lê Chí Phúc – Tổng Giám đốc SGI Capital đã có những chia sẻ trong buổi livestream với chủ đề “Lạm phát và xu hướng lãi suất – Những ý tưởng đầu tư cho năm 2022”.
Theo phân tích của chuyên gia, thị trường chứng khoán hấp dẫn bởi hai động lực :
Động lực thứ nhất đến từ cung tiền. Chúng ta phải khẳng định năm 2020 và 2021 là hai năm lãi suất thấp nhất trên lịch sử, cung tiền dồi dào là động lực lớn giúp nền kinh tế nói chung hồi phục và thị trường chứng khoán nói riêng được đẩy lên một tầm cao mới. Tuy nhiên cần xác định đến năm 2022, với chính sách thu hẹp gói kích thích khiến dòng tiền rẻ sẽ không còn nữa.
Động lực thứ hai đến từ tăng trưởng nội tại doanh nghiệp. Đây là động lực bền vững nhất và lý do hút được dòng tiền của nhà đầu tư. Trong năm 2022, vị chuyên gia tin rằng động lực tăng trưởng đó vẫn duy trì mạnh mẽ từ nền tăng trưởng thấp của năm 2021 – mức thấp nhất trong vòng 30 năm trở lại đây. Do đó, hầu như tất cả mọi ngành nghề sẽ được hưởng lợi từ câu chuyện phục hồi kinh tế và tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp trong năm 2022. Đây cũng sẽ là “bệ đỡ” giúp chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững.
Đưa ra thống kê trong 70 năm lịch sử của thị trường chứng khoán Mỹ, ông Phúc cho biết có 13 lần Fed tăng lãi suất và có đến 12 lần thị trường ghi nhận tăng điểm với mức tăng trung bình là 17%. Tuy không có thống kê cụ thể tại thị trường Việt Nam, song vị chuyên gia cho rằng chứng khoán Mỹ có tính đại diện cao có thể soi chiếu.
Tuy tiền rẻ không còn, song động lực tăng trưởng vẫn còn dài. Do đó, áp lực tăng lãi suất của Fed không phải nỗi lo, tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp mới là yếu tố quyết định tính bền vững của thị trường chứng khoán.
Đặt ra câu hỏi thị trường chứng khoán đang được định giá đắt hay rẻ, vị chuyên gia đưa ra dẫn chứng cụ thể về mức định giá rổ cổ phiếu chất lượng cao VN30 với mức P/E chỉ 14.x, mức này thấp hơn mức trung bình 5 năm, thậm chí 10 năm trở lại đây. Điều này cho thấy thị trường vẫn đang hấp dẫn với động lực dẫn dắt từ lực đẩy tăng trưởng của doanh nghiệp.
Đối với những nhà đầu tư lâu năm đã trải qua làn sóng thứ nhất năm 2006-2007 kéo nhà đầu tư F0 vào thị trường. Khi đó, một trong những nguyên nhân khiến chứng khoán Việt Nam bùng nổ là khi lọt rổ thị trường cận biên thu hút vài tỷ USD.
Hiện tại, chúng ta lại chuẩn bị chứng kiến làn sóng thứ hai khi sự phổ cập của chứng khoán của nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Theo đó, sự cạnh tranh giữa các công ty chứng khoán và áp dụng phổ biến của công nghệ tiếp tục giúp nhiều nhà đầu tư tiếp cận thị trường chứng khoán dễ dàng hơn, rẻ hơn và minh bạch hơn.
Mặt khác, thị trường Việt Nam đang đạt rất nhiều tiêu chuẩn của thị trường mới nổi. Bên cạnh Luật chứng khoán mới đang tạo ra nhiều thay đổi về chất cho ngành, việc hệ thống giao dịch mới KRX nếu đi vào triển khai sẽ gỡ nhiều nút thắt cho dòng tiền ngoại vào đón đầu quá trình nâng hạng của thị trường chứng khoán Việt Nam trong 1 -3 năm tới.
“Dòng tiền đầu tư nhà đầu tư nước ngoài sẽ chảy vào Việt Nam có thể lên đến 5-10 tỷ USD. Do đó, tôi dự báo cuối năm 2022 thị trường sẽ đón một con sóng mới mà nhà đầu tư dứt khoát không nên bỏ lỡ”, Tổng Giám đốc SGI Capital nhấn mạnh.
Ông Phúc cũng khẳng định thị trường chứng khoán hiện tại khác rất xa so với thời điểm ông mới bắt đầu tham gia khi ngày càng quy tụ nhiều doanh nghiệp hàng đầu, là đại diện xuất sắc cho sự phát triển của kinh tế. Đây cũng là cơ hội giúp nhà đầu tư lựa chọn địa chỉ đầu tư tin cậy và hiệu quả.
Bên cạnh sức hấp dẫn, vị chuyên gia cho rằng thị trường chứng khoán vẫn tiềm ẩn rủi ro. Nhà đầu tư nên xác định chứng khoán luôn có những biến động ngắn hạn khôn lường và khó đoán định, song xu hướng tăng trưởng dài hạn vẫn bền vững dựa theo chu kỳ của kinh tế và tăng trưởng của doanh nghiệp.
“Nhà đầu tư cần xác định rủi ro nào mang tính chất ngắn hạn và rủi ro nào cần quan tâm để xác định chiến lược giao dịch cho mình. Đối với những thông tin tiêu cực đến từ dịch bệnh, xung đột chính trị, cạnh tranh dòng tiền giữa các kênh đầu tư hay lạm phát theo tôi chỉ là tác động đến thị trường trong ngắn hạn và không trọng yếu.
Rất nhiều nhà đầu tư bán tháo trong những phiên chứng khoán bị tác động bởi thông tin tiêu cực trên, song những nhà đầu tư dài hạn như chúng tôi lại xem đó là cơ hội mua cổ phiếu giá rẻ bởi đà giảm của thị trường chỉ trong ngắn hạn, xu hướng tăng trong dài hạn vẫn kéo dài”, ông Lê Chí Phúc đưa ra khuyến nghị.
Vì vậy, rủi ro lớn nhất chỉ xảy ra khi 2 động lực giúp thị trường tăng trưởng là cung tiền và tăng trưởng doanh nghiệp đều biến mất. Khi động lực không còn, nhà đầu tư mới nên xem xét rút tiền khỏi chứng khoán.
Mặt khác, vị chuyên gia cũng khuyên nhà đầu tư nên lựa chọn những cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt, tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Bởi, nếu lựa chọn sai cổ phiếu thì dù trong một xu hướng uptrend của thị trường vẫn có thể khiến nhà đầu tư thua lỗ.
https://cafef.vn/giam-doc-sgi-capital-ap-luc-tang-lai-suat-cua-fed-khong-phai-noi-lo-day-moi-la-yeu-to-quyet-dinh-chung-khoan-viet-nam-tang-hay-giam-trong-nam-2022-20220217201821613.chn