Đó là chia sẻ của ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group tại chương trình “Toàn Cảnh Talkshow” số thứ 6 với chủ đề “Bất động sản sau dịch: thành phố hay tỉnh lẻ”, diễn ra mới đây.
Phải xác định BĐS là “cuộc đua đường trường”
Theo ông Phúc, lý do những năm gần đây bất động sản tại các tỉnh lẻ như Bình Dương, Đồng Nai hay Long An đang ngày càng săn đón bởi người mua ở thực và trở thành “vàng ròng” của giới đầu tư cũng bởi vì một nguyên tắc duy nhất “nước phải chảy về chỗ trũng”. Yếu tố mức giá hấp dẫn đã khiến các phân khúc bất động sản vùng ven hấp dẫn với đại đa số người mua hơn.
“Khi mà giá mặt bằng ở Tp.HCM quá cao, biên lợi nhuận thấp thì bắt buộc người ta phải tìm kiếm cơ hội đầu tư ở những vùng đất mới. Với 5 tỷ, tôi mua một cái nhà ở Tp.HCM, lợi nhuận chỉ được vài trăm triệu. Nhưng thay vào đó tôi có thể đầu tư vài nghìn m2 tại vùng ven tại Đồng Nai, Long An, hay mua vài căn hộ hình thành trong tương lai. Lợi nhuận thu về cũng có triển vọng lớn hơn. Các chủ đầu tư lớn cũng đã sớm nắm được thị hiếu này nên họ cũng chọn cách tập trung tạo ra các dự án, sản phẩm đa dạng đáp ứng nhu cầu của người mua”, ông Phúc cho hay.
Bởi lẽ, độ hoàn thiện về mặt hạ tầng, diện mạo đô thị trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều “trung tâm” mới. Bây giờ không chỉ còn là “quận 1” hay “chợ Bến Thành” mới gọi là trung tâm. Theo vị CEO này, khái niệm trung tâm hiện tại đang được mở rộng ra là khái niệm trung tâm vùng. Đơn cử như Tp.HCM sẽ đi theo mô hình “đa cực” – tức có nhiều trung tâm, không chỉ còn gói gọn theo các quận 1, 3 hay 5 mà còn phát triển theo định hướng đa vùng về 4 hướng: Đông, Tây, Nam và Bắc. Chẳng hạn khi tuyến metro được hình thành, cả một vùng rộng lớn ở phía Đông Tp.HCM cũng được chuyển mình. Khi đó thành phố Thủ Đức chính là một vùng, với khu công nghệ cao quận 9 sẽ là trái tim của vùng đó. Khi đó hàng loạt bất động sản tỉnh lẻ tại Bình Dương, Đồng Nai giáp ranh trong bán kính 5-10km cũng có thể xem là kề trung tâm.