Đại dịch bùng phát lần thứ 4 trong nước đặc biệt nghiêm trọng đã gây áp lực lên toàn nền kinh tế nói chung và tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nói riêng. Dù vậy, trong nguy có cơ, nhiều lĩnh vực vẫn ghi nhận sự tăng trưởng mạnh mẽ trong đại dịch, đơn cử ngành thép.
Không phủ nhận vấp phải rào cản từ sự sụt giảm của thị trường trong nước giữa bối cảnh giãn cách, nhiều đơn vị đã chuyển hướng đẩy mạnh xuất khẩu và duy trì mức tăng trưởng dương trong quý 3/2021. Trên thị trường, sự lạc quan từ trường quốc tế cũng liên tục phản ánh vào giá và đưa nhóm cổ phiếu thép tiếp tục lên đỉnh cao mới.
Tình trạng cung – cầu mất cân đối cục bộ ở nhiều khu vực như châu Âu và Mỹ là cơ hội lớn cho ngành thép Việt Nam
Chia sẻ với chúng tôi về cơ hội từ xuất khẩu, ông Hồ Minh Quang – Chủ tịch Nam Kim Group (NKG) – cho biết: “Thị trường thép toàn cầu những năm qua có sự thay đổi lớn, bắt đầu từ sự trỗi dậy của làn sóng bảo hộ, chiến tranh thương mại từ đầu nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. Sang năm 2020, đại dịch xảy ra liên tục làm đảo lộn mọi dự báo, chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, nhiều ngành nghề và doanh nghiệp gặp phải khó khăn. Dù vậy, ngành thép may mắn vẫn thuận lợi trên phạm vi toàn cầu, cả thượng nguồn và hạ nguồn“.
Trong đó, một số quốc gia đã đặt trọng tâm ưu tiên phát triển một số ngành công nghệ mới và tái cơ cấu một số ngành, bao gồm ngành thép. Chưa kể, đại dịch xảy ra đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng ở nhiều ngành công nghiệp, có cả ngành thép, dẫn đến tình trạng cung – cầu mất cân đối cục bộ ở nhiều khu vực như châu Âu và Mỹ: Chính điều này cũng là cơ hội cho ngành thép Việt Nam với sự đầu tư mạnh mẽ trong những năm gần đây.
Diễn biến ngược lại tại thị trường trong nước, 5 năm qua với sự đầu tư mở rộng quy mô của các doanh nghiệp trong ngành và cả các doanh nghiệp mới tham gia, công suất của ngành đã trở nên rất lớn dẫn đến việc dư thừa so với nhu cầu của thị trường nội địa. Do vậy, thị trường quốc tế là một miếng bánh thị phần lớn với nhiều phân khúc để doanh nghiệp tôn mạ trong nước hướng đến.
Thực tế cũng ghi nhận, trong tháng 8 xuất khẩu sắt thép các loại đạt 1,53 triệu tấn với trị giá gần 1,5 tỷ USD, tăng 33,8% về lượng và tăng 35,2% về trị giá so với tháng trước (theo Tổng cục Hải Quan). So với tháng 8/2020, trị giá xuất khẩu của mặt hàng này cao gấp 2,5 lần. Đây là tháng có trị giá xuất khẩu sắt thép các loại cao nhất từ trước đến nay và là tháng thứ hai liên tiếp vượt 1 tỷ USD.
Xuất khẩu sắt thép các loại theo tháng giai đoạn 2020 – 2021