Bất động sản du lịch sẽ chịu áp lực tăng giá trong năm 2022

Bất động sản du lịch sẽ chịu áp lực tăng giá trong năm 2022

Con số lượng du khách tăng đột biến trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán đã trở thành tín hiệu tích cực dự báo sự hồi phục của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, từ khi thực hiện chương trình thí điểm đón khách du lịch quốc tế (từ tháng 11/2021 – 8/2), Việt Nam đón hơn 8.900 khách du lịch quốc tế. 

Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) cũng công bố dữ liệu nghiên cứu cho thấy lượng tìm kiếm quốc tế về du lịch Việt Nam từ đầu năm 2022 đang tăng mạnh. Từ đầu tháng 1 đến nay, lượng tìm kiếm quốc tế về hàng không Việt Nam ở mức rất cao, có thời điểm tăng 425%.

Đặc biệt, thông tin Chính phủ đồng ý đề xuất mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới, từ 15/3 được đánh giá là tín hiệu tốt, đánh dấu thời điểm vàng để thị trường bất động sản nghỉ dưỡng quay trở lại, lấy lại vị thế đã mất trong những năm qua. 

Cơ hội của ngành du lịch là điều được dự báo rõ ràng, nhất là đối với các địa phương đang có lợi thế đặc biệt thu hút khách quốc tế như  Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc, Khánh Hòa, Đà Nẵng…. 

Giới chuyên gia dự báo, phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã đến thời điểm phục hồi sau khoảng thời gian ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, tín hiệu tích cực từ dòng khách du lịch thời gian vừa qua sẽ trở thành lực đẩy cho thị trường địa ốc. Bên cạnh đó, cùng với gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng sẽ là điểm sáng để đầu tư trong năm 2022.

Theo ông Đính, phân khúc bất động sản du lịch đã có sự cơ cấu lại. Những tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng đã dần thay cho những dự án nhỏ lẻ. Các nhà đầu tư quan tâm tới đại đô thị du lịch chất lượng cao. 

Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc DKRA Việt Nam cho rằng, bất động sản du lịch phụ thuộc vào hoạt động du lịch. Những địa phương có thế mạnh về du lịch như Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hoà, Phú Quốc có sự thay đổi cả về chất lượng và sản phẩm du lịch nên sẽ có sự phục hồi sớm hơn.

Theo vị chuyên gia này, những địa phương có cơ chế linh hoạt trong việc thích ứng an toàn khi phòng chống dịch Covid-19 (thay vì hạn chế hoặc các áp dụng biện pháp quá chặt chẽ) sẽ có lượng khách du lịch sôi động hơn. Khi hoạt động du lịch của các địa phương này sôi động hơn, các dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng cũng có nhiều cơ hội hơn.

Ngoài ra, một số địa phương khác như Bà Rịa – Vũng Tàu với lợi thế ngay sát TP.HCM, gần sân bay Long Thành đang xây dựng và một vài địa phương khác như Bình Định, Phú Yên cũng có tiềm năng trở thành điểm đến mới cho du lịch, có tính cạnh tranh.

Đánh giá về mức giá của bất động sản du lịch, ông Nguyễn Hoàng nhận định, phân khúc này cũng sẽ chịu chung áp lực tăng giá của thị trường bất động sản nói chung do nhiều nguyên nhân ví dụ chi phí đầu vào tăng. Điều này sẽ làm tăng thêm thách thức và sức hút của phân khúc này, đồng thời cũng yêu cầu các chủ đầu tư phải đưa ra những chính sách bán hàng hấp dẫn hơn trong năm tới.