Như đã đề cập ở bài viết trước, Chính phủ đang xây dựng báo cáo với đề nghị Quốc hội xây dựng đề án Luật xử lý nợ xấu.
Đề nghị này nhằm kịp thời có khung pháp lý toàn diện khi Nghị quyết số 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ hết hiệu lực từ 15/8/2022.
Thời điểm hết hiệu lực đang đến gần và qua bốn năm thực hiện Nghị quyết 42, vẫn còn đó nhiều vướng mắc trong xử lý nợ xấu.
Chưa có được một kênh dữ liệu quan trọng
Trong hoạt động cho vay hiện nay, các TCTD đã có được một kênh dữ liệu số hóa và tức thời tham chiếu cho công tác thẩm định khách hàng, phân loại nợ. Đó là kho dữ liệu của Trung tâm Thông tin tín dụng (CIC). Độ mở của kênh này còn thuận tiện cho cả các khách hàng, cá nhân có thể tra cứu “điểm tín dụng” của mình.
Tuy nhiên, một cơ sở quan trọng khác là tình trạng tài sản bảo đảm (TSBĐ) cho các khoản vay hiện vẫn chưa thể được số hóa, chưa có nguồn để các TCTD tiếp cận.
Dự thảo báo cáo của Chính phủ cho biết, hiện các TCTD gặp khó khăn, vướng mắc về cơ chế tiếp cận thông tin về tình trạng TSBĐ. Đáng chú ý, khó khăn và “lỗ hổng” này đã đặt ra nhiều năm qua và vẫn ở bên lề của làn sóng chuyển đổi số diễn ra rộng khắp các lĩnh vực trong nền kinh tế.
Cụ thể, Khoản 2 Điều 7 Nghị quyết số 42 quy định một trong các điều kiện để thu giữ TSBĐ là “TSBĐ không phải là tài sản tranh chấp trong vụ án đã được thụ lý nhưng chưa được giải quyết hoặc đang được giải quyết tại Tòa án có thẩm quyền; không đang bị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; không đang bị kê biên hoặc áp dụng biện pháp bảo đảm thi hành án theo quy định của pháp luật”.
Tuy nhiên, dự thảo báo cáo của Chính phủ cho biết hiện Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự không có hệ thống dữ liệu cho phép các TCTD trích xuất, tra cứu thông tin tài sản có liên quan đến vụ việc đang được thụ lý giải quyết.
Đồng thời, cũng chưa có hướng dẫn về cơ chế xác định sớm hữu hiệu trong quá trình thẩm định để xác định tài sản nào đang tranh chấp, tài sản nào đang phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, dẫn đến cách hiểu về tài sản tranh chấp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng tại nhiều nơi, nhiều cấp khác nhau, gây khó khăn khi áp dụng quy định về thu giữ tài sản theo Nghị quyết số 42.
Ai được ưu tiên thanh toán khi xử lý được nợ xấu?
Một thực tế khác cũng đặt ra trong quá trình triển khai Nghị quyết 42, trong quá trình các TCTD xử lý nợ xấu.
Điều 12 Nghị quyết số 42 quy định: “Số tiền thu được từ xử lý TSBĐ của khoản nợ xấu, sau khi trừ chi phí bảo quản, thu giữ và chi phí xử lý TSBĐ được ưu tiên thanh toán cho nghĩa vụ nợ được bảo đảm cho TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu trước khi thực hiện nghĩa vụ thuế, nghĩa vụ khác không có bảo đảm của bên bảo đảm”.
Trong quá trình triển khai quy định tại Nghị quyết số 42, trên cơ sở các nội dung báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính và các bộ ngành, đơn vị liên quan, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo tại Thông báo số 106/TB-VPCP ngày 22/3/2019 về các khó khăn, vướng mắc liên quan đến thuế thu nhập cá nhân và án phí dân sự. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan đã có các văn bản chỉ đạo, quán triệt nội dung thông báo nêu trên.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua, các TCTD tiếp tục phản ánh về việc trên thực tế triển khai, các cơ quan thuế nhiều địa phương vẫn yêu cầu bên nhận bảo đảm/bên nhận chuyển nhượng phải đóng thay tiền thuế thu nhập cho bên bảo đảm mới thực hiện các thủ tục liên quan đến việc cấp giấy chứng nhận, sang tên cho người nhận chuyển nhượng; các cơ quan thi hành án sau khi thực hiện thủ tục xử lý TSBĐ vẫn tiến hành trích thu luôn tiền án phí, tiền thuế thu nhập cá nhân đối với các TSBĐ bán đấu giá thành trước khi chuyển tiền về cho các TCTD, mặc dù TSBĐ sau khi xử lý vẫn không đủ trả nợ cho TCTD.
“Như vậy, việc vẫn phải nộp các khoản thuế, án phí trước khi thực hiện nghĩa vụ ưu tiên thanh toán cho bên nhận bảo đảm là không phù hợp với quy định tại Nghị quyết số 42, làm giảm số tiền thu hồi nợ của TCTD trong khi số tiền xử lý TSBĐ không đủ thu hồi nợ cho TCTD, dẫn đến không đảm bảo hiệu quả của việc xử lý nợ xấu”, dự thảo báo cáo của Chính phủ nhìn nhận.
Khó nhận tài sản trong các vụ án hình sự
Cũng theo dự thảo báo cáo trên, các TCTD và công tác xử lý nợ xấu gặp khó khăn khi TSBĐ mắc kẹt trong các vụ án hình sự khi là các vật chứng.
Điều 14 Nghị quyết số 42 quy định: “Sau khi hoàn tất thủ tục xác định chứng cứ và xét thấy không ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án, cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu theo đề nghị của bên nhận bảo đảm là TCTD…”.
Tuy nhiên, hiện nay chưa có văn bản quy phạm pháp luật giải thích cụ thể về việc “ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án và thi hành án” theo quy định tại Điều 14 Nghị quyết số 42. Do đó, việc có hoàn trả vật chứng trong vụ án hình sự là TSBĐ của khoản nợ xấu hay không, hoàn trả vào thời gian nào sẽ phụ thuộc nhiều vào quan điểm của cơ quan tiến hành tố tụng dẫn đến các TCTD rất chậm nhận được tài sản để xử lý, thu hồi nợ của các khoản nợ xấu.
Điều 14 Nghị quyết số 42 cũng mới chỉ quy định về việc hoàn trả tài sản là vật chứng trong vụ án hình sự cho các TCTD mà chưa quy định về việc hoàn trả TSBĐ là tang vật của các vụ việc hành chính cho các TCTD.
Trên thực tế xảy ra nhiều vụ việc TSBĐ là phương tiện vận tải bị cơ quan công an tịch thu, tạm giữ do là tang vật trong vụ việc vi phạm bị xử lý hành chính hoặc do vi phạm luật giao thông đường bộ. Các cơ quan nhà nước không hoàn trả các tài sản này cho TCTD do chưa có văn bản pháp luật quy định về nội dung này.
Trong các trường hợp khác nhau, cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính là bán đấu giá TSBĐ là tang vật của vụ việc vi phạm hành chính theo quyết định xử lý vi phạm hành chính, số tiền thu được từ việc xử lý tài sản này sẽ được sử dụng theo quy định của pháp luật mà không chuyển cho TCTD.
Hoặc sau khi xử lý TSBĐ là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính, cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ trả lại tài sản là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính cho chủ tài sản là bên bảo đảm. Như vậy việc xử lý TSBĐ là tang vật trong vụ việc vi phạm hành chính nêu trên đã dẫn đến việc TCTD không còn TSBĐ, gây thiệt hại cho TCTD.
Những vướng mắc điển hình như trên trong xử lý nợ xấu được kỳ vọng có thể đưa vào đề án xây dựng Luật xử lý nợ xấu, hướng đến khả năng tháo gỡ. Như trên, đến 15/8/2022 Nghị quyết 42 sẽ hết hiệu lực, việc xây dựng một đề án luật có thể khỏa lấp khoảng trống nghị quyết này để lại trở nên cấp thiết khi quỹ thời gian còn lại không nhiều.