Liệu có phải Mỹ đang đối mặt với một thị trường chứng khoán ‘siêu bong bóng’?

Liệu có phải Mỹ đang đối mặt với một thị trường chứng khoán ‘siêu bong bóng’?

Một số người cảnh báo rằng một cuộc điều chỉnh lớn với quy mô chưa từng thấy kể từ thời điểm sụp đổ của bong bóng dotcom vào năm 1990 có nguy cơ trở thành hiện thực.

Tuần qua, chứng khoán Mỹ trải qua những phiên giao dịch đầy biến động. Dù kết tuần, cả S&P 500 và Nasdaq 100 đều tăng nhẹ nhưng đó chỉ là tấm màn che cho những biến động khủng khiếp trong từng phiên. Thậm chí, 3 trong số 5 phiên giao dịch gần nhất nằm trong số những biến động tồi tệ nhất của chứng khoán Mỹ 1 thập kỷ qua.

Jeremy Grantham, nhà đồng sáng lập người Anh của công ty quản lý đầu tư GMO (có trụ sở tại Boston), tin rằng Hoa Kỳ hiện đang trong giai đoạn “siêu bong bóng” tương tự với thời kỳ dotcom, thời điểm Phố Wall sụp đổ vào năm 1929 hay sự “điên rồ” của thị trường nhà đất năm 2006. Không phải chỉ mỗi thị trường công nghệ mà các thị trường khác như nhà ở, hàng hóa và trái phiếu cũng đang có dấu hiệu bùng nổ.

Theo Grantham, “cuộc náo loạn” đã bắt đầu và khó có khả năng kết thúc sớm.

Sự kiện Microsoft công bố kết quả kinh doanh theo quý vào thứ ba vừa rồi chính là một thử nghiệm tâm lý các nhà đầu tư. “Gã khổng lồ” công nghệ có trụ sở tại Seattle này đã công bố doanh số bán hàng với mức hơn nửa tỷ USD một ngày và lợi nhuận ở mức hơn 18 tỷ USD. Đây thực sự là một con số khổng lồ và cao vượt kỳ vọng. Mới đầu, cổ phiếu của hãng này đã giảm giá 5% trong thời gian giao dịch sau phiên làm việc.

Nối gót Microsoft công bố kết quả kinh doanh trong tuần này là Apple, Tesla, Intel và Samsung. Và trong tháng tới sẽ là Alphabet, Amazon và Meta. Đây được coi là một phép thử hiệu quả trong lĩnh vực công nghệ – lĩnh vực đang ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày cũng như thống trị thị trường chứng khoán.

Một công ty vượt qua đại dịch thành công như Netflix cũng đã trải qua những biến động lớn. Trong giai đoạn giãn cách vì dịch bệnh, hoạt động kinh doanh của Netflix dường như đã bùng nổ. Tuy nhiên, giá cổ phiếu của công ty đã sụt giảm sau khi công ty này công bố bản báo cáo doanh thu vào tuần trước với dự đoán rằng số lượng người đăng ký dịch vụ của công ty sẽ giảm đi.

Chủ tịch phụ trách mảng trí tuệ doanh nghiệp công ty GroupM Global – ông Brian Wieser cho biết rằng những vấn đề mà Netflix đang gặp phải có thể là chất xúc tác làm thay đổi tâm lý nhà đầu tư về lĩnh vực này.

Ông cho biết: “Nhìn chung, các nhà đầu tư thường cần một chất xúc tác để hành động.” Chi phí vốn tăng cao đã khiến cho các nhà đầu tư lo ngại rằng chuỗi ngày tăng trưởng chóng mặt đã chấm dứt. Nhưng ông nhận định rằng giai đoạn này sẽ không giống thời kỳ bong bóng dotcom.

Những gã khổng lồ công nghệ này hiện vẫn đang tạo ra lợi nhuận lớn và sở hữu lượng tiền mặt khổng lồ. Ông cho biết: “Netflix vẫn sẽ chi 20 tỷ đô la cho việc sản xuất nội dung vào năm nay”. Apple đang có hơn 195 tỷ USD tiền mặt, trong khi đó Microsoft đang sở hữu 130 tỷ USD.

Giám đốc điều hành của công ty Robert W Baird – ông Michael Antonelli cho rằng thế giới “siêu kết nối” ngày nay chính là một phần nguyên nhân khiến cho thị trường biến động chóng mặt. “Thị trường, dữ liệu, tâm lý, hoạt động giao dịch, podcast, blog: dường như mọi người biết tất cả mọi thứ ngay lập tức và họ có thể hành động dựa trên cảm xúc chỉ với một nút nhấn”.

Một bài đăng trên blog của ông viết rằng khoản lỗ hôm nay sẽ chính là lợi nhuận ngày mai. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng: “Con người là sinh vật phi lý trí; thay vì dành thời gian để suy nghĩ về hành động của mình thì họ có thể sẽ tiếp tục nhấn nút và cố gắng xoa dịu những cơ quan thụ cảm nỗi đau trong não.”