Sáng 27/5, CTCP Điện lực Dầu khí Việt Nam (PV Power – POW) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên 2021 theo hình thức trực tuyến.
Năm nay, PV Power đặt kế hoạch doanh thu hơn 28.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.325 tỷ đồng.
Chúng tôi cập nhật một số nội dung đã được thảo luận tại đại hội như sau:
Tình hình triển khai dự án Nhơn Trạch 3 – 4, kế hoạch đầu tư trong tương lai?
Theo ông Hồ Công Kỳ – Chủ tịch HĐQT, dự án Nhơn Trạch 3 – 4 là dự án năng lượng quan trọng của quốc gia, công suất 1.500 MW. Tổng mức đầu tư 1,4 tỷ USD, tương đương 32.000 tỷ đồng. Cơ cấu vốn gồm 25% vốn chủ, còn lại vốn vay gồm cả vay ICA và vay thương mại bằng VND, USD.
Ông Hồ Công Kỳ cho biết, hiện nay phương án tài chính đã vào giai đoạn cuối. PV Power đang đàm phán song song hợp đồng mua bán điện và mua bán khí. Khi công ty chọn được tổng thầu EPC sẽ hoàn tất phương án tín dụng ICA và vay thương mại.
Về công tác giải phóng mặt bằng, tổng diện tích dành cho dự án 54 ha hiện còn khoảng 7,5 ha phải xử lý. Giá đền bù đã được phê duyệt, trong tháng 5 sẽ hoàn tất chi trả và bàn giao mặt bằng cho PV Power.
Việc triển khai lựa chọn nhà thầu, có tổng cộng 18 gói thầu thì đã chọn được 8 gói. Giá trị trúng thầu giảm 27% so với giá gói thầu. Công ty đang lựa chọn nhà thầu san lấp, nhà thầu EPC và nhà thầu giám sát quản lý. Hiện PV Power đang làm việc trả lời một số câu hỏi của nhà thầu EPC, dự kiến đóng thầu vào tháng 7/2021, nhưng nếu cần thiết sẽ gia hạn thêm.
Trên nguyên tắc, công ty đảm bảo kế hoạch khởi công dự án vào cuối năm 2021.
Ngoài dự án Nhơn Trạch 3 – 4, ban lãnh đạo PV Power cho biết dự địa đầu tư phát triển điện trong tương lai là rất lớn. Công ty đang quan tâm một dự án hợp tác với nhà đầu tư Nhật Bản và một nhà đầu tư trong nước, dự án LNG tại tỉnh Quảng Ninh.
Đầu tư kho LNG Nam Du cho nhà máy Cà Mau 3, dự án này cũng bổ sung nguồn khí cho Cà Mau 1 – 2, qua đó tăng sản lượng điện cho vùng Tây Nam Bộ. Ông Kỳ nói rằng đây là cụm dự án trọng điểm quan trọng. Tùy theo năng lực tài chính, PV Power đang kiến nghị PVN sẽ thành lập các công ty cổ phần xã hội hóa vốn chủ.
Năng lực tài chính của PV Power liệu có đảm bảo?
Ông Kỳ cho biết tính toán và thực hiện đầu tư cuốn chiếu để phù hợp với sơ đồ điện 7 điều chỉnh, cũng như sơ đồ điện 8. Áp lực vốn chủ là có, nhưng ban lãnh đạo tin có thể thực hiện chiến lược này.
Về khoản nợ xấu của EVN?
Theo ông Hồ Công Kỳ, hợp đồng mua bán điện dự án Cà Mau 1 – 2 được PVN và EVN ký kết từ năm 2008. Sau khi dự án được chuyển đổi cho POW, đến nay hợp đồng mua bán điện vẫn còn nguyên hiệu lực.
Ông Kỳ cho biết từ tháng 2/2018, EVN đơn phương giữ lại khoảng 60 tỷ đồng mỗi tháng, có thời điểm giá trị giữ lại lũy kế lên tới trên 2.000 tỷ đồng.
Công ty sau đó đã làm việc với PVN, Bộ Công thương và EVN, hệ quả là trong năm 2020 EVN đã có hai lần chuyển trả số tiền giá trị 1.300 tỷ đồng cho POW. Đây là phần chênh lệch phí công suất từ tháng 2/2018 đến hết năm 2019.
Sau đó, EVN vẫn tiếp tục giữ lại số tiền trung bình 60 tỷ đồng mỗi tháng, tính đến tháng 3/2021, tổng số tiền lên tới 834 tỷ đồng.
Quan điểm của POW để giải quyết vấn đề này là khoản nợ trên cơ sở hợp đồng có hiệu lực EVN đương nhiên phải trả.
Vấn đề khiến EVN chậm trễ là do muốn ép POW tham gia thị trường điện với dự án Cà Mau năm 2021.
Hiện nay phát sinh 5 vấn đề khúc mắc, hai bên đã đàm phán được 3. Hai vấn đề khác biệt được ông Kỳ cho biết sẽ giải quyết trong tháng 6 và sẽ hoàn nhập tất cả phần trích lập đã thực hiện năm 2020.
Tại báo cáo tài chính kiểm toán 2020, khoản nợ xấu được PV Power ghi sổ là 1.058 tỷ đồng, đã trích lập hơn 1.000 tỷ đồng.
Phần lớn nợ xấu là từ Công ty Mua bán điện thuộc EVN (826 tỷ đồng). Điều này liên quan đến tỷ giá áp dụng trong giá bán điện hàng tháng trong hợp đồng mua bán điện của nhà máy Cà Mau 1 – 2. Hiện tại, hai bên đã chốt xong vấn đề này.
Việc trả cổ tức tỷ lệ 2%?
Ông Kỳ cho biết trả cổ tức 2% là nỗ lực rất lớn từ phía PV Power, trên cơ sở đã cân đối lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài của cổ đông. Chủ tịch POW nói cổ đông cũng sẽ phải chấp nhận những năm đầu nhận cổ tức vừa phải.
Việc duy trì trả cổ tức trong những năm tiếp theo còn tùy thuộc và kết quả kinh doanh.
Kế hoạch lợi nhuận 2021 thận trọng?
Năm 2021 dự án Cà Mau 1 – 2 đại tu, các tổ máy sẽ dừng từ 45 – 50 ngày, do đó không có sản lượng.
Yếu tố khác tác động đến kế hoạch năm nay là biến động giá dầu, có thể dao động trong khoảng 65 – 70 USD.
Việc giá khí nguyên liệu tăng dẫn đến huy động khí sản xuất cũng dè chừng, do đó công ty đặt ra kế hoạch thận trọng.
Nhưng ông Kỳ cho biết công ty sẽ nỗ lực vượt kế hoạch đã đề ra.
Huy động điện cho các nhà máy?
Các nhà máy trong thời gian tới đều sản xuất theo điều độ của A0, theo cam kết sản xuất điện nhất định. Đó là mức sản lượng sàn mà các nhà máy phải đạt được, bên cạnh đó các nhà máy phải sản xuất sản lượng cao hơn để chào giá trên thị trường. PV Power cũng có chỉ tiêu phấn đấu do PVN giao.