‘Sốt’ đất cuối năm, thực hư thế nào?

‘Sốt’ đất cuối năm, thực hư thế nào?

Giá đất vườn “lên đồng”

Sau khoảng một thập kỷ im lìm, hai năm gần đây, đất Ba Vì “cựa” mạnh, thức giấc, nằm trong tầm ngắm của giới đầu tư.

Theo một “cò” tên Hùng tại xã Tản Lĩnh, đất khu vực Ba Trại, Thụy An, Cẩm Lĩnh (BaVì) lên cơn sốt chỉ vì khu này gần khu du lịch Suối Hai. Hiện tại, đất thuộc các xã này đang được chào giá 6-8 triệu đồng/m2 với diện tích dao động 300-1.000m2. Với những lô đất diện tích chỉ 1.000-2.000m2, mức giá bị đẩy lên 3-5 triệu đồng/m2. Trong khi đó, 3 năm trước, đất vị trí đẹp nhất ở đây, giá cao nhất cũng chỉ khoảng 1-2 triệu đồng/m2. “Đất ở đây toàn dân nội thành Hà Nội mua chung rồi lập làng làm khu nghỉ dưỡng. Giá đất tăng chóng mặt từng tuần, chị không mua nhanh tuần sau lại có mức giá khác cao hơn”, Hùng nói.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Đình Hùng, Chủ tịch UBND xã Tản Lĩnh (Ba Vì) cho biết, giá đất tại xã có tăng nhưng không đến mức sốt nóng như “cò” đất loan tin. Giai đoạn 2008-2010, Ba Vì từng là tâm điểm của cơn sốt đất do Hà Tây được sáp nhập về Hà Nội.

Theo ông Phạm Đình Hùng, chính quyền địa phương đã nhiều lần cảnh báo người dân mua đất phải tìm hiểu kỹ nhưng nhiều nhà đầu tư vẫn bất chấp, cứ mua và tin vào những lời của môi giới vẽ ra việc họ sẽ về làm trang trại, khu nghỉ dưỡng.

Trong khi đó, các khu đất có lợi thế về cảnh quan, thiên nhiên ven Hà Nội như Vân Canh, Hòa Lạc, Quốc Oai, Sơn Tây, Xuân Mai… cũng được nhiều người quan tâm tìm mua, giao dịch đều, giá tiếp tục tăng nhẹ so với trước.

Ông Nguyễn Viết Đạt, Chủ tịch UBND thị xã Sơn Tây khẳng định, đất tại đây có tăng nhưng không sốt và giao dịch có nhưng không đến mức sôi động như nhiều lời quảng cáo của môi giới.

Còn theo giới đầu tư, sức hút đất Ba Vì không chỉ đến từ xu hướng “bỏ phố về quê” mà còn đến từ thông tin quy hoạch Khu du lịch Quốc gia Ba Vì – Suối Hai.

Náo động buôn làng

Tại xã Ea Tu (TP Buôn Ma Thuột), cơn “sốt” hiện diện ngay ở khu gần những con đường nhánh nhỏ. Chạy dọc tuyến đường vào xã này, “cò” đất, các công ty BĐS dán thông tin mua bán đất khắp nơi. “Trước, mỗi sào đất rẫy (1.000m2) giá khoảng 400 triệu đồng. Thế nhưng từ khi đường giao thông mở rộng, lại kèm thông tin dự án Bệnh viện Đa khoa Trung ương, giá lô đất kiểu này vụt tăng không dưới 5 tỷ đồng”, anh Y.K.T (35 tuổi, trú tại xã Ea Tu) cho hay.

Theo tìm hiểu của PV, đất nông nghiệp sau khi sang nhượng, đã được các đối tượng tách thành từng lô nhỏ (rộng 5 mét, dài trên 25 mét). Có nơi, các công ty bất động sản còn tự đổ đường bê tông cắt ngang rẫy cà phê. Sau đó, những ô đất nông nghiệp này được tách thành các lô nhỏ, từ 40 đến 60m2 đất ở. “Tôi đang bán lô đất hơn 500m2 ở xã Ea Tu, có thể tách thành 4 lô với giá hơn 3,5 tỷ đồng. Đất ở đây đang tăng giá từng ngày…”, một “cò” đất nói.

Một số xã vùng ven TP Buôn Ma Thuột cũng bị đồn thổi chủ đầu tư tận Hà Nội vào, khiến đất buôn, đất rẫy tăng giá nhanh. Tại một số buôn làng, những ngày này ô tô vào ra liên tục. Điển hình là ở xã Hòa Xuân, Hòa Thắng, Hòa Khánh, Hòa Phú, Cư Êbua… của TP Buôn Ma Thuột…

Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng xác nhận, “sốt” đất chủ yếu do “cò” thổi giá, hoặc bán qua bán lại cho nhau. “Khi người dân chưa hiểu bản chất, nếu mua họ sẽ bị thiệt thòi”, ông Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới BĐS Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, nếu không cẩn trọng, nhà đầu tư sẽ “tiền mất, tật mang” mua phải đất trong quy hoạch. Nhiều thông tin mới chỉ là chủ trương, chưa có quy hoạch 1/500, việc người dân mua đất rất rủi ro.