Doanh nghiệp FDI gặp nhiều khó khăn
Nói với lãnh đạo TP. Đà Nẵng, ông Ikeda Naoatsu, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng nhìn nhận, đối với một số doanh nghiệp lớn, phải làm giấy đi đường cho hàng ngàn lao động nên việc đảm bảo thời gian theo yêu cầu của thành phố là không kịp thời. Do đó, mong muốn thành phố sớm huỷ giấy đi đường thay vào đó là giấy xác nhận tiêm vaccine. Bên cạnh đó, vấn đề lưu thông hàng hoá giữa các thành phố, địa phương lân cận là hết sức khó khăn. Việc này cũng ảnh hưởng đến rất lớn đến sản xuất của các doanh nghiệp.
Ông Ikeda Naoatsu đề xuất TP. Đà Nẵng sớm cho doanh nghiệp trở lại vận hành 100% hoạt động. Hiện nay, dịch COVID-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các doanh nghiệp Nhật Bản trên địa bàn thành phố như: suy giảm lợi nhuận, sự ra đi của đối tác và thu nhập của lao động giảm sút.
“Chúng tôi mong muốn, thành phố sớm triển khai vaccine nhanh chóng, đặc biệt là tiêm ít nhất 1 mũi cho người dân. Nếu không tiêm vaccine cho người lao động thì việc duy trì sản xuất khó có thể thực hiện được. Cùng với đó, thành phố cũng nên mở rộng đối tượng tiêm vaccine cho người trên 18 tuổi”, ông Ikeda Naoatsu cho hay.
Theo ông Ikeda Naoatsu, thành phố cũng nên tạo điều kiện cho việc di chuyển, nhập cảnh của chuyên gia nước ngoài, bởi các doanh nghiệp Nhật Bản đang gặp khó vì không có chuyên gia sửa chữa, láp ráp, vận hành. Do đó, đề xuất thành phố cho phép người tiêm đủ vaccine được đi làm trở lại và việc nhập cảnh, đi lại và cách ly đối với chuyên gia cũng phải rút ngắn thời gian.
Đại diện AmCham tại Đà Nẵng cho rằng, thời gian qua việc thành phố áp dụng biện pháp mạnh phòng chống dịch đã làm gián đoạn nguồn cung trong và ngoài nước, khó khăn trong việc lưu thông giữa các tỉnh, thành lân cận. Bên cạnh đó, năng suất lao động bị giảm sút do phải chăm sóc cho gia đình, con cái.
“Chúng tôi mong muốn thành phố có thông tin mở cửa lại rõ ràng, đồng thời, triển khai kế hoạch tiêm chủng cho người dân sớm nhất. Bởi vaccine là “chìa khoá” giúp cho các hoạt động sản xuất trở lại bình thường”, đại diện AmCham tại Đà Nẵng đề xuất.
Đại diện Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại TP. Đà Nẵng cho biết, hiện nay việc thực hiện giãn cách cao ảnh hưởng lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp. Do đó, chúng tôi phải làm việc tại nhà, việc tuyển dụng nhận sự, điều chuyển nhân sự, chuyên gia cũng như lưu thông hàng hoá đến với Đà Nẵng hết sức khó khăn…
“Hiện nay việc tuyển dụng tại Đà Nẵng cũng khó khăn do phải thông qua các kênh tư nhân. Do đó, mong muốn chính quyền hợp tác với kênh Chính phủ để thu hút nhân tài về với Đà Nẵng. Đồng thời, mong thành phố khôi phục dịch vụ vận chuyển hàng hoá trong và ngoài nước để doanh nghiệp được nhận – nhập các thiết bị”, đại diện LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại TP. Đà Nẵng nói.
Theo đại diện LG Electronics Việt Nam Hải Phòng tại TP. Đà Nẵng, một vấn đề khác là dịch vụ internet chất lượng cao bị hạn chế đã gây ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên khi làm việc tại nhà. Do đó, thành phố cần đầu tư hạ tầng mạng trong thời gian tới.
Ông Hoàng Trọng Nhật Hòa, Đại diện Công ty Silver Shores cho biết, tình hình dịch bệnh đã bước vào giai đoạn tương đối ổn định và đạt được kiểm soát. TP. Đà Nẵng cũng đã triển khai tiêm vaccine cho người dân, do đó doanh nghiệp mong muốn thành phố xem xét đưa chỉ đạo chuyên môn cấp thiết, có những hướng giải quyết dành riêng cho những doanh nghiệp có năng lực và quy mô nhất định để doanh nghiệp tự thực hiện kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh. Từ đó, có thể hoạt động trở lại, cho phép doanh nghiệp tiếp đón những vị khách đã tiêm vaccine đến sử dụng các dịch vụ thay vì tạm dừng hoạt động.
“Thành phố không nên buộc doanh nghiệp và cộng đồng lại với nhau, vì doanh nghiệp và các đơn vị có năng lực nhất định, thành phố nên xem xét đưa ra các quy định riêng dành cho doanh nghiệp và cộng đồng. Ví dụ như về quản lý lưu thông hành hàng hóa, đối với doanh nghiệp là có thể để cho doanh nghiệp tự phụ trách, còn nhà nước sẽ phụ trách những mảng còn lại. Chúng tôi cũng hết sức chú trọng đến việc phòng chống dịch nên nhiều vấn đề thành phố có thể cho phép doanh nghiệp được thực hiện và đương nhiên thành phố cũng có thể kiểm tra và xử lý các doanh nghiệp mà làm không tốt”, ông Hoà đề xuất.
Ngoài ra, ông Hoà đề nghị thành phố cần có kênh thông tin duy nhất để truyền tải các quyết định, chỉ đạo về phòng chống dịch của thành phố. Các kênh thông tin này có nhiều ngôn ngữ để cho các doanh nghiệp nước ngoài có thể kịp thời nắm bắt thông tin, ví dụ ngoài tiếng Việt ra còn có thêm tiếng Anh, Nhật, Hàn.