Các cuộc thảo luận được thúc đẩy bởi những thương vụ đầu tư thất bại, khi mức vốn hóa 115 tỷ USD liên tiếp sụt giảm so với tổng giá trị của các công ty con. Đà lao dốc vẫn tiếp tục diễn ra ngay cả sau khi công ty này thực hiện một chương trình bán tài sản nhằm thu hẹp sự chênh lệch đó.
Thông tin về động thái mới nhất này dự kiến sẽ được SoftBank công bố trong tuần này. Trong khi đó, SoftBank đang chuẩn bị hoán đổi công ty con Arm Holdings với tiền mặt và cổ phần trong Nvidia có tổng giá trị 40 tỷ USD. Thương vụ này sẽ đưa SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất của Nvidia, bổ sung vào danh mục của tập đoàn này thêm một công ty liên kết, bao gồm cổ phần trong Alibaba và 1 công ty viễn thông Nhật Bản đã niêm yết.
Nguồn tin tiết lộ, cuộc thảo luận về việc “rời sàn” cũng được thúc đẩy nhanh bởi việc các giám đốc điều hành của công ty cho biết họ sẽ thực hiện 1 số thay đổi cơ bản đối với chiến lược kinh doanh dài hạn của SoftBank, kể từ khi ra mắt Quỹ Vision vào năm 2016.
Ngoài ra, điều cốt lõi của vấn đề này là SoftBank nhìn nhận họ như một nhà đầu tư và quản lý tài sản, chứ không phải là tập đoàn trực tiếp điều hành các doanh nghiệp như những gì họ đã làm trong suốt 39 năm. Nguồn tin cho hay, sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông đối với những thương vụ đầu tư mạnh tay gần đây của SoftBank vào cổ phiếu công nghệ Mỹ là động lực để họ đưa ra ý định tư nhân hóa công ty.
Việc SoftBank có thể rời sàn niêm yết – điều mà Masayoshi đã nhiều lần gợi ý từ trước đây, sẽ giáng một đòn mạnh vào thị trường chứng khoán Tokyo. Bởi tại đây, SoftBank đại diện cho những doanh nghiệp Nhật Bản tương tự như những “gã khổng lồ” ở Thung lũng Silicon. Hơn nữa, SoftBank là cổ phiếu có tỷ trọng lớn thứ 2 trong Nikkei 225.
Cuộc thảo luận về việc thay đổi cơ chế điều hành được chỉ đạo bởi Masayoshi Son đã có thêm động lực, trong bối cảnh SoftBank gần kết thúc chương trình bán tài sản được khởi xướng hồi tháng 3, nhằm huy động 41 tỷ USD để mua cổ phiếu quỹ và trả nợ.
Chương trình trên được đưa ra vào tháng 3, sau khi cổ phiếu SoftBank rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2016. Điều này cũng khiến Masayoshi Son gặp khó khăn nhiều hơn vì đã mang cổ phần đi thế chấp. Theo đó, khoản nợ chịu lãi của tập đoàn này là 115 tỷ USD trước khi bán tài sản. Ở thời điểm đó, SoftBank đã nảy ra ý định tư nhân hóa với sự hỗ trợ của quỹ phòng hộ Elliott Managementvà quỹ đầu tư nhà nước Mubadal của Abu Dhabi.
Kể từ đó, cổ phiếu SoftBank đã hồi phục nhanh chóng và đạt đỉnh 20 năm vào tháng trước. Tuy nhiên, các giám đốc điều hành tiếp tục tỏ ra không hài lòng, cho rằng sự hồi phục này chủ yếu là do cổ phiếu Alibaba tăng giá, chứ không phải là giảm sự chênh lệch giữa vốn hóa và tổng giá trị của các công ty con.
Sau khi bán bớt cổ phần tại Alibaba, T-Mobile và công ty viễn thông tại Nhật Bản, cổ phiếu SoftBank có lúc tăng lên mức cao nhất trong 20 năm là 7.077 yen (67 USD) tại Tokyo vào ngày 4/8. Tuy nhiên, thậm chí sau đó, mức này vẫn thấp hơn so với 45% tổng giá trị tài sản của tập đoàn.
Theo nguồn tin thân cận, trong khi chương trình bán tài sản đã gần như được hoàn tất, ông Son đã tỏ ra giận dữ khi cổ phiếu SoftBank rớt 7%, bởi những thông tin gần đây về thương vụ đầu tư quyền chọn vào các cổ phiếu công nghệ Mỹ.
Hiện tại, sự phản đối trong nội bộ đối với việc mua thôn tính của hội đồng quản trị (MBO) vẫn còn mạnh mẽ, đặc biệt là tại Nhật Bản – nơi vốn coi công ty niêm yết là rất uy tín. Tuy nhiên, ý định thực hiện MBO của Son có thể được đẩy mạnh hơn dù còn có 1 số người hoài nghi, sau khi ông bán Arm cho Nvidia.
SoftBank từ chối bình luận về thông tin này.
Tham khảo Financial Times