Giấc mơ ‘iPhone 4 bánh’ của Foxconn: Nếu có thể sản xuất iPhone, tại sao không thể tạo ra được xe ô tô điện?

Giấc mơ ‘iPhone 4 bánh’ của Foxconn: Nếu có thể sản xuất iPhone, tại sao không thể tạo ra được xe ô tô điện?

Foxconn, nhà sản xuất điện tử tiêu dùng theo hợp đồng lớn nhất thế giới và cũng là đối tác lắp ráp lớn nhất của Apple từ lâu đã mơ về việc sản xuất xe ô tô.

“Nếu có thể sản xuất iPhone, tại sao chúng ta không thể tạo ra xe ô tô điện? Đó sẽ là một chiếc iPhone có bốn bánh”, người sáng lập và cựu chủ tịch Foxconn Terry Gou đã nói khá nhiều lần về vấn đề này trong các cuộc họp nội bộ của công ty.

Theo tìm hiểu của tờ Nikkei, ông Gou đã ủng hộ một dự án nội bộ vào năm 2014, có tên là “A-Fu Initiative”, nhằm chế tạo nguyên mẫu của một chiếc xe điện hoàn chỉnh. Vào thời điểm đó, dự án chưa được công khai và được dẫn đầu bởi một nhóm nhân viên Foxconn phụ trách các thiết bị chính xác. Gou hứa sẽ chia cổ phiếu cho những nhân viên tham gia dự án nếu họ thành công, một người quen thuộc với kế hoạch cho biết.

Tuy nhiên, sáng kiến A-Fu chỉ tồn tại trong thời gian ngắn – việc chế tạo xe hơi phức tạp hơn dự kiến – nhưng giấc mơ xe hơi của Foxconn chưa bao giờ chết. Hiện Foxconn đang trong giai đoạn thúc đẩy xe điện mới. Câu hỏi đặt ra là, liệu Foxconn có thể thành công trong lần thử nghiệm thứ 2 này hay không?

“Nếu có thể sản xuất iPhone, tại sao chúng ta không thể tạo ra xe ô tô điện? Đó sẽ là một chiếc iPhone có bốn bánh”

Young Liu, người tiếp quản vị trí Chủ tịch của Gou từ hai năm trước đã thề rằng trong 5 năm tới, các thiết kế, linh kiện, bộ phận cơ khí hoặc phần mềm của Foxconn sẽ có trong 5% lượng xe điện toàn cầu.

Nhưng hiện tại, dường như công ty này còn có tham vọng lớn hơn nữa. Họ đã công bố kế hoạch xây dựng các nhà máy ở Mỹ và Thái Lan để lắp ráp xe nguyên chiếc và cũng đang tìm kiếm các địa điểm để sản xuất ô tô ở châu Âu.

Trong khi đó, Foxconn cũng đã tự đặt mình vào trung tâm của một sáng kiến trong ngành nhằm phát triển các công nghệ và tiêu chuẩn mới cho xe điện có thể thách thức các nhà sản xuất ô tô truyền thống.

Sự phát triển này diễn ra trong bối cảnh lợi nhuận từ mảng điện tử tiêu dùng ngày càng giảm. Doanh thu của Foxconn chỉ tăng 0,3% trong năm ngoái, và lợi nhuận ròng đã giảm kể từ năm 2017. Xe điện là nhân tố rất quan trọng nếu công ty muốn tăng tỷ suất lợi nhuận gộp từ 6% hiện tại lên 10% như mục tiêu. Sự lạc quan về EV đã thúc đẩy cổ phiếu của Foxconn lên mức cao nhất trong 4 năm vào tháng 3 và giá cổ phiếu vẫn tăng hơn 15% kể từ đầu năm.

Trên thực tế, các công ty con của Foxconn đã cung cấp thiết bị điện tử cho nhiều nhà sản xuất ô tô điện và xe truyền thống, từ Tesla đến BMW, với các sản phẩm từ màn hình bảng điều khiển đến bảng mạch in cộng với một loạt các bộ phận cơ khí và nhựa.

Để mở rộng bộ sản phẩm của mình và thu thập nhiều bí quyết hơn, Liu đã ký nhiều hợp đồng cung ứng và quan hệ đối tác phát triển công nghệ trong vòng 1 năm rưỡi qua. Một liên doanh với Stellantis, chủ sở hữu của Fiat và Chrysler và nhà sản xuất ô tô lớn thứ tư thế giới, đang phát triển phần mềm buồng lái cho những chiếc ô tô được kết nối. Một liên doanh với Geely của Trung Quốc, được thành lập vào tháng 1, nhằm mục đích bán các dịch vụ sản xuất và tư vấn liên quan đến hệ thống truyền động thông minh, nền tảng phần mềm và thậm chí cả chiếc xe.

Vốn nổi tiếng là công ty có năng lực phần cứng, Foxconn đã và đang chạy đua để nâng cao chuyên môn về phần mềm thông qua công ty con FIH Mobile, công ty đã từng sản xuất điện thoại Android.

Và đầu tháng này, họ đã mua một nhà máy bán dẫn ở Đài Loan để kiểm soát nhiều hơn việc cung cấp các chip cần thiết cho xe điện.

Công ty ước tính doanh thu của mình từ mảng linh kiện ô tô – không bao gồm bảng hiển thị được sử dụng trên xe – có thể vượt 10 tỷ Đài tệ (359 triệu USD) vào năm 2021. Con số này vẫn còn thấp so với đế chế sản xuất tạo ra hơn 5 nghìn tỷ Đài tệ mỗi năm, nhưng nó thể hiện mức tăng trưởng 40% trong năm, theo công ty.

“Doanh thu hiện tại chủ yếu là từ các bộ phận cơ khí và nhựa, nhưng chúng tôi sẽ mở rộng phạm vi hoạt động sang cấp độ hệ thống và mô-đun, đồng thời bắt đầu chế tạo toàn bộ xe hơi trong tương lai gần”, Liu nói trong một hội nghị nhà đầu tư vào tháng này.

MỘT CHIẾC XE HƠI HOÀN CHỈNH

Trong nhiều thập kỷ, các công ty ô tô thông thường đã cạnh tranh bằng việc đầu tư nhiều vào động cơ, hộp số và hệ thống truyền động phức tạp, vốn là rào cản đáng kể để gia nhập. Nhưng việc chế tạo một chiếc xe điện ít phức tạp hơn, đang thu hút rất nhiều công ty khởi nghiệp trên toàn cầu.

Foxconn có kế hoạch thay thế các nhà cung cấp cấp một truyền thống và sản xuất toàn bộ xe điện cho những công ty mới nổi như Fisker niêm yết ở New York và Byton của Trung Quốc. Ngoài ra, họ cũng nhắm tới các nhà sản xuất ô tô truyền thống đang tìm cách chuyển đổi thành các công ty EV như Yulon Motor của Đài Loan.

Những người chơi mới cũng vẫn tiếp tục tham gia gồm cả Xiaomi, một nhà sản xuất điện tử lâu năm tham gia thị trường điện thoại thông minh. Công ty này có kế hoạch giới thiệu xe điện thông minh mang thương hiệu của mình vào năm 2024. Baidu, công cụ tìm kiếm và internet khổng lồ của Trung Quốc cũng đã liên doanh với Geely và có kế hoạch làm điều tương tự.

Có lẽ khách hàng lớn nhất của Foxconn có thể sẽ là Apple. Công ty lắp ráp hơn 60% iPhone trên toàn cầu, được nhiều người cho là ứng cử viên sản xuất ô tô điện cho Apple.

Hiện tại, vận may của công ty gắn liền với vận may của một số công ty khởi nghiệp đầy tham vọng nhưng cũng chứa đầy rủi ro. Byton, được thành lập bởi các giám đốc điều hành của BMW, đã gần cạn kiệt tiền trước khi ký hợp tác với Foxconn vào tháng 1. Fisker vẫn chưa bắt đầu sản xuất mẫu xe đầu tiên.

Foxconn đang dẫn đầu nỗ lực phá vỡ kim tự tháp chuỗi cung ứng ô tô truyền thống. Liu vào tháng 10 năm ngoái đã ra mắt cái mà Foxconn gọi là “liên minh EV mở” gồm những công ty phần mềm và phần cứng trong ngành công nghiệp ô tô. MIH Consortium – MIH là viết tắt của “Mobility in Harmony” – nhằm mục đích thiết lập các tiêu chuẩn công nghiệp và phát triển “bộ dụng cụ” kết hợp phần cứng và phần mềm mà các nhà sản xuất xe điện có thể sử dụng để cắt giảm thời gian phát triển và chi phí của ô tô mới.

Liên minh đã thu hút hơn 1.800 công ty, bao gồm Qualcomm, Microsoft và nhà sản xuất pin lớn nhất thế giới Contemporary Amperex Technology (CATL). Mặc dù đã đưa ra nhiều thông báo hơn so với các sản phẩm ở giai đoạn đầu, nhưng họ đã tiết lộ thông số kỹ thuật cho bộ phần mềm và phần cứng EV đầu tiên của mình vào tháng 1 và có kế hoạch giao nó cho các nhà sản xuất ô tô vào cuối năm nay. Foxtron, một liên doanh của Foxconn và Yulon Motor, đã sử dụng nền tảng MIH để thiết kế một chiếc xe buýt điện nguyên mẫu cho một nhà điều hành vận tải phía Nam Đài Loan, sẽ lăn bánh vào năm tới.