Ngày 26/8 vừa qua, Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp đã tổ chức Diễn đàn “Thực hiện Quyết định số 2545/QĐ-TTg- Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt trong doanh nghiệp”. Phát biểu tại sự kiện, ông Lê Anh Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, thời gian qua hoạt động thanh toán không tiền mặt liên tục tăng. (Xem thêm chi tiết về kết quả hoạt động thanh toán không tiền mặt 6 tháng đầu năm tại đây).
Vẫn còn nhiều thách thức
Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) còn một số tồn tại, thách thức trong phát triển.
Đầu tiên có thể kể đến cơ chế, chính sách, khuôn khổ quy định liên quan đến TTKDTM cần được tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện, nhất là định rõ chính sách đối xử, khuôn khổ quy định quản lý những phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, mô hình kinh doanh đổi mới, giải pháp thanh toán sáng tạo.
Thứ hai, sự tham gia ngày càng nhiều của các tổ chức phi ngân hàng, công ty Fintech, hãng công nghệ lớn vào lĩnh vực thanh toán đặt ra nhiều thách thức đối với cơ quan quản lý, nhất là trong việc xây dựng, hoàn thiện các quy định pháp luật vừa đảm bảo sự phát triển, đổi mới, vừa đảm bảo yêu cầu quản lý nhà nước đối với hoạt động thanh toán và bảo vệ người tiêu dùng.
Thứ ba, thói quen, hành vi sử dụng tiền mặt phổ biến của người dân nhìn chung đã giảm bớt nhưng vẫn chưa chuyển dịch mạnh sang thanh toán phi tiền mặt, thanh toán điện tử; Một bộ phận người tiêu dùng còn e dè khi tiếp cận với công nghệ, phương tiện thanh toán mới, do còn lo ngại về vấn đề an ninh, an toàn trong thanh toán.
Ngoài ra, tội phạm, gian lận trong thanh toán điện tử gần đây có chiều hướng gia tăng trong bối cảnh các dịch vụ, giao dịch online trở nên phổ biến với những hành vi, thủ đoạn mới, tinh vi hơn và sử dụng công nghệ nhiều hơn.
Một số vấn đề phát sinh trong lĩnh vực thanh toán điện tử gần đây diễn biến phức tạp, đòi hỏi phải có sự phối hợp, xử lý của nhiều bộ, ngành, như: một số tổ chức, cá nhân sử dụng máy POS, thiết bị di động có nguồn gốc từ nước ngoài để chấp nhận thanh toán trên lãnh thổ Việt Nam, không tuân thủ quy định pháp luật; hay hoạt động thanh toán cho các dịch vụ của tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài cung ứng xuyên biên giới vào lãnh thổ Việt Nam…còn có khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý.
Lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ, lấy ứng dụng công nghệ để tạo sự phát triển bứt phá
Cũng theo ông Lê Anh Dũng, với thực tế và những tồn tại, thách thức nêu trên, Ngân hàng Nhà nước đã đề ra phương châm chỉ đạo hoạt động thanh toán thời gian tới theo nguyên tắc lấy khách hàng làm trọng tâm để nâng cao chất lượng dịch vụ và tăng sức cạnh tranh, lấy ứng dụng công nghệ thành tựu của CMCN 4.0 để tạo sự phát triển bứt phá.
Cơ quan quản lý đồng thời đề ra một số giải pháp:
Thứ nhất, tiếp tục nghiên cứu ban hành mới, sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đặc biệt là khẩn trương trình Chính phủ ban hành Nghị định thay thế Nghị định 101 về TTKDTM.
Thứ hai, thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng ACH thế hệ mới, đóng vai trò là nền tảng thanh toán số với hướng tiếp cận mở và đảm bảo kết nối liên thông. (ACH là Hệ thống thanh toán bù trừ tự động các giao dịch bán lẻ với khả năng thanh toán thời gian thực, hoạt động liên tục 24×7, xử lý giao dịch đa kênh).
Thứ ba, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip tại Việt Nam theo Tiêu chuẩn thẻ chip nội địa; triển khai Tiêu chuẩn cơ sở QR Code rộng khắp.
Thứ tư, khẩn trương ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư 23/2014 về mở và sử dụng tài khoản thanh toán, trong đó có quy định hướng dẫn mở tài khoản thanh toán cá nhân bằng phương thức điện tử (e-KYC), cho phép người dân, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa dễ dàng mở tài khoản, tiếp cận dịch vụ thanh toán qua kênh số, không cần gặp mặt trực tiếp.
Thứ năm, phát triển TTKDTM ở khu vực nông thôn bằng những mô hình triển khai mới, giải pháp thanh toán phù hợp, gắn với việc triển khai Chiến lược quốc gia về Tài chính toàn diện.
Thứ sáu, tăng cường quản lý, giám sát đối với các hệ thống thanh toán quan trọng, các phương tiện, dịch vụ thanh toán mới, hoạt động thanh toán xuyên biên giới, đảm bảo sự vận hành an toàn, hiệu quả và gia tăng lòng tin đối với thanh toán điện tử.
Thứ bảy, NHNN cùng các NHTM, tổ chức TGTT đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến kiến thức về TTKDTM, nâng cao nhận thức người tiêu dùng về những rủi ro trong thời đại số và hướng dẫn người dân kỹ năng giao dịch tài chính-thanh toán an toàn, hợp lý; Chú trọng nhiều hơn tới khía cạnh bảo vệ người sử dụng dịch vụ trong xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.