Các chiến lược gia cho biết, cú điều chỉnh nhanh của Nasdaq và các cổ phiếu công nghệ đã khiến bão tố trôi qua. Tuy nhiên, còn một giai đoạn khó khăn phía trước cho tới khi xuất hiện một đợt “sóng” mới.
Sau 3 ngày bị bán tháo, cổ phiếu công nghệ Mỹ đã có cú phục hồi mạnh mẽ. Nasdaq tăng 2,7 trong một phiên sau cú giảm 10% trong 3 phiên giao dịch trước đó, cú sập nhanh nhất từ trước tới nay. Các cổ phiếu như Apple, Amazon và Microsoft đều tăng mạnh. Tesla dẫn đầu sóng tăng với 10,9% trong phiên giao dịch 9/9. Trước đó, cổ phiếu này giảm 21% trong phiên giao dịch ngày 8/9. S&P 500 và Dow Jones cũng tăng lần lượt là 2% và 1,6%.
“Chúng tôi đã từng nhìn thấy điều này trước đây. Khi cổ phiếu giảm 10%, bạn sẽ thấy nhiều người đổ tiền vào, kéo theo sự phục hồi. Tuy nhiên, tôi cho rằng phía trước còn rất nhiều ẩn số”, Steve DeSanctis, chiến lược gia cổ phiếu tại Jefferies, nhận định. Theo DeSanctis, cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cũng như số phận của các gói kích thích kinh tế và tài khóa tiếp theo sẽ tác động mạnh tới thị trường.
Ngoài ra, vị chiến lược gia cũng khẳng định, chỉ tới khi những câu hỏi khó này được trả lời, số phận của thị trường chứng khoán Mỹ mới trở nên rõ ràng. “Thật khó để có thể thấy cú tăng mạnh mẽ như những gì xảy ra trong tháng 7 và tháng 8 vừa qua”, DeSanctis nhận định.
Matt Maley, giám đốc chiến lược thị trường tại Miller Tabak, thì cho rằng có thể thị trường sẽ đi theo một hướng khác trước khi có thể phục hồi. Theo Maley, thay vì cho rằng điều tồi tệ nhất đã qua đi, nguy cơ chứng khoán sụt giảm mạnh là điều hiện hữu. Tuy nhiên, sẽ không có cú sập 35% như những gì đã xảy ra trong tháng 3 bởi “FED ở đó và làm bất cứ điều gì cần thiết để ngăn chặn nó xảy ra”.
Scott Redler, đối tác với T3Live.com, thì cho rằng các nhà đầu tư vẫn có cái nhìn tích cực về thị trường và các giao dịch được tiến hành nhằm hướng tới sự phục hồi của thị trường. Theo Redler, S&P 500 sẽ được kiểm tra khi nó chạm đến vùng kháng cự 3.427 đến 3.460 điểm.
“Thông thường, khi bị bán tháo 3 ngày, sẽ có sự phục hồi. Câu hỏi là phục hồi như thế nào. Chúng tôi vẫn phải xem lần này có thực sự khác biệt hay không. Lúc này, động lực của thị trường đã bị giảm xuống và chệch hướng nhưng rõ ràng, nó không bị mất đi”, Redler nhận định.
Ann Sonders, Trưởng phòng chiến lược đầu tư của Charles Schwab, thì cho rằng chưa thể xác định cú sập 10% vừa qua của Nasdaq đã kết thúc hay chỉ là bắt đầu cho một thứ gì đó tồi tệ hơn. Tuy nhiên, Sonders nghĩ rằng thị trường sẽ trở nên xấu hơn nữa. “Những động thái tương tự trong quá khứ thường đi cùng với sự phục hồi trong một hoặc 2 phiên”, Sonders nhận định.
Sonder cũng nhắc tới những nhà đầu tư tay mơ, những người bước vào thị trường sau cú sập hồi tháng 3 và góp phần không nhỏ cho cú bùng nổ vừa qua của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đầu tư chưa từng trải qua các sóng gió.
“Tôi nghĩ bản chất con người là giống nhau. Sự tham lam và sợ hãi tồn tại ở hầu hết mọi người”, Sonder cho biết.
Hiện tại, các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã đúng khi lạc quan vào công nghệ. Tuy nhiên, ngay cả khi không có những đợt bán tháo lớn, các nhà đầu tư mới, vốn đang là động lực của thị trường, có lẽ cũng sẽ phải rút lui bởi những lý do chẳng hạn như trở lại làm việc ở văn phòng, nơi khó thực hiện các giao dịch. Đó là thời điểm thị trường mất đi một phần động lực.
Tham khảo: CNBC