9 tháng trước, khi thị trường Bắc Giang trở thành tâm điểm của các nhà đầu tư, giá đất tăng chóng mặt, chị T.V đã mạnh tay xuống tiền mua lô đất dự án với mức giá hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này chị và một người bạn cùng hùn vốn mua. Song, để đủ một nửa vốn góp, chị V. vay ngân hàng tới 80% với mức lãi suất 8,9%/năm đầu và 10,8% những năm sau đó.
Thời điểm xuống tiền, nhờ quen biết, chị V. đã mua với mức giá thấp hơn so với thị trường 3 giá.
“Vì thị trường lúc đó sôi động lắm, lại mua được mức giá thấp nên tôi chắc mẩm nếu lướt trong vòng 1 tháng thì chắc chắn kiếm lời được vài trăm triệu. Mà tâm lý mua được giá thấp hơn so với thị trường, tôi càng an tâm rằng: Chỉ cần bán bằng thị trường, tôi đã có lời. Chấp nhận nếu cắt lỗ so với thị trường, tôi vẫn thu hồi đủ vốn”.
Thế nhưng, dự tính của chị V. không như kỳ vọng. Sau khi xuống tiền mua được 3 tuần, Bắc Giang bùng dịch và thực hiện chính sách giãn cách xã hội toàn tỉnh. Đến khi việc kiểm soát dịch tại Bắc Giang cơ bản ổn định thì đến lượt Hà Nội thực hiện chính sách giãn cách xã hội, kéo dài tới khoảng 3 tháng.
“Cũng trong suốt thời gian Hà Nội thực hiện chính sách giãn cách xã hội, tôi thấp thỏm đứng ngồi không yên. Khoản lãi mỗi tháng phải gánh khiến tôi càng sốt ruột, chỉ mong đẩy hàng sớm. Khi đó, phía môi giới tôi gửi bán khuyên: “Phải đợi hết dịch mới có thể rao bán được”. Tôi cũng hi vọng và mong Hà Nội nhanh kết thúc chính sách giãn cách xã hội thì thị trường bất động sản sẽ vào guồng trở lại. Tôi còn kì vọng thị trường sẽ ấm lên và mảnh đất tôi mua sẽ bán được lời”.
Lại một lần nữa, kỳ vọng của chị V. bị đập tắt khi hơn 2 tháng qua, thị trường khu vực mà chị mua ảm đạm. “Muốn bán mà không bán được. Ngay cả người hỏi cũng không có. Rao cắt lỗ tới 3 giá nhưng cũng chẳng có ai hỏi mua”, chị V. tâm sự.