Tại thời điểm cuối quý 2/2021, tổng vốn chủ sở hữu của 76 công ty chứng khoán rơi vào khoảng 112.000 tỷ đồng, tăng hơn 13.000 tỷ đồng so với thời điểm cuối quý 1, ước tính 98.989 tỷ đồng. Nếu nhân đôi lên, sẽ cho vay ký quỹ (margin) tối đa được 224.000 tỷ đồng.
Mức tăng lên của tổng vốn chủ sở hữu chủ yếu đến từ lợi nhuận tăng trưởng mạnh trong nửa đầu năm và từ hoạt động tăng vốn của khối CTCK. Trước đó, theo thống kê sơ bộ của Fiintrade, dịch vụ tài chính (chủ yếu là CTCK) có kế hoạch phát hành tổng 14.800 tỷ đồng để mở rộng quy mô hoạt động, bao gồm cho vay margin.
Trong khi đó, tổng dư nợ cho vay margin của 53 công ty chứng khoán (chiếm trọng số lớn, các công ty chứng khoản còn lại cho vay không đáng kể) tại thời điểm 30/6/2021 mới chỉ hơn 125.500 tỷ đồng (chưa bao gồm từ hợp đồng cho vay 3 bên). Con số này cũng khá sát với số liệu 120.000 tỷ đồng – được Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chia sẻ tại talkshow Phố Tài Chính chia sẻ vào đầu tháng 7 vừa qua.
Như vậy, dư nợ cho vay ký quỹ hiện chỉ khoảng 1,12 lần trên vốn chủ sở hữu. So với giới hạn theo quy định của các công ty chứng khoán được cho vay không quá 200% vốn chủ sở hữu – là vẫn ở mức an toàn.
Với khoảng 125.500 tỷ đồng dư nợ margin, tương ứng 5,45 tỷ USD, chỉ mới gần 2% vốn hoá thị trường (Tính đến ngày 30-6, mức vốn hóa thị trường đạt 6,83 triệu tỷ đồng).
Mức này thấp hơn nhiều đợt tăng nóng của thị trường chứng khoán Trung Quốc vào thời điểm năm 2014 – 2015, khi đó rất nhiều nhà đầu tư mở mới tài khoản, margin tăng rất mạnh, đạt khoảng 3,5% tổng vốn hóa thị trường. Tại thị trường Mỹ, từ năm 2008 đến năm 2020, margin nằm ở khoảng 2,5% đến 3,1%.