Kết quả khảo sát do The Harris Poll công bố vào tháng 3 cho thấy 74% người lao động Mỹ làm việc tại nhà đang cân nhắc chương trình “làm việc lưu trú” ở nước ngoài. Xu hướng này hiện đang có dấu hiệu gia tăng.
Chương trình trên cho phép người lao động tham gia vào những chuyến làm việc tại nước ngoài kéo dài 1 tháng. Suốt thời gian đó, họ có thể vừa cống hiến cho công việc, vừa tận hưởng quãng thời gian thú vị tại địa điểm đã chọn. Du khách có thể khám phá triết học ở Hy Lạp, thưởng thức rượu vang ở Ý hay tận hưởng các dịch vụ chăm sóc y tế ở Bali ngay trong thời gian công tác của mình.
Các công ty du lịch sẽ chịu trách nghiệm sắp xếp nơi ở, không gian làm việc và các hạng mục hậu cần khác bao gồm thẻ SIM và dịch vụ đưa đón ở sân bay cho những ai có mong muốn làm việc từ xa. Mỗi tuần, họ sẽ tổ chức các chuyến đi theo chủ đề. Người lao động có thể lựa chọn thêm các hoạt động tùy chọn khác nếu lịch trình của họ cho phép.
Những chuyến đi kéo dài từ một tháng trở lên không chỉ dành cho những người làm việc từ xa toàn thời gian. Nhân viên văn phòng cũng có thể tham gia. Người lao động cũng hoàn toàn có thể tự tổ chức các chuyến đi nếu cảm thấy thời gian làm việc của mình không phù hợp.
Floasis là một website giúp người lao động có thể dễ dàng đáp ứng những nhu cầu đó. Nó cho phép người lao động có thể tùy chọn không gian làm việc và môi trường sống yêu thích. Tuy nhiên, các chương trình như trên không phải là mới.
Nhiều công ty đã áp dụng phương pháp này ngay cả trước khi làn sóng đại dịch bùng phát. Họ đưa ra những lựa chọn khác nhau phù hợp với nhu cầu và điều kiện của từng người lao động. Venture with Impact là một ví dụ. Chương trình này được thiết kế dành cho những ai muốn kết hợp công việc, du lịch với việc hưởng những lợi ích xã hội trong chuyến làm việc của mình. Các chuyến đi thường kéo dài một tuần hoặc một tháng đối với các công ty có quy mô nhỏ. Mỗi chuyến chỉ khoảng 4 đến 10 người. Họ sẽ làm việc tại các công ty phù hợp với điều kiện và khả năng của từng người.