Tiên phong ngành công nghệ trong việc đầu tư vào R&D
Trong 3 thập kỷ phát triển, Huawei đã tập trung vào lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT), đồng thời cung cấp kết nối mạng đến hơn 3 tỷ người tại 170 quốc gia trên toàn thế giới. Độ phủ sóng của Huawei còn ở cả các khu vực hiểm trở và khắc nghiệt nhất như sa mạc Sahara, rừng mưa Nam Mỹ, Bắc Cực, đỉnh Everest hay các khu vực chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, thảm họa. Vượt qua mọi khó khăn với tinh thần phục vụ vì lợi ích của khách hàng, đội ngũ Huawei đã góp phần làm nên một thế giới được kết nối thông suốt.
Để đạt được những thành quả ấn tượng như hôm nay, ngay từ những ngày đầu, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi đã xác định đầu tư vào nghiên cứu và phát triển sản phẩm (R&D) là “sức mạnh cốt lõi trong chuỗi giá trị của Huawei”. Như một cuộc thi marathon đòi hỏi độ bền và ý chí quyết tâm cao độ, Huawei tiến vào địa hạt R&D với tầm nhìn dài hạn và luôn hướng về mục tiêu phía trước.
Theo đó, tập đoàn đầu tư hơn 10% doanh thu, khoảng 15-20 tỷ USD vào mảng R&D hàng năm và đã trở thành top 5 công ty trên thế giới chi mạnh cho R&D, theo bảng xếp hạng của EU. Huawei đã xây dựng các trung tâm nghiên cứu và phát triển tại nhiều quốc gia gồm 14 trung tâm R&D, 36 trung tâm đổi mới sáng tạo chung và 45 trung tâm đào tạo. Hơn 96.000 nhân viên phục vụ trong mảng R&D chiếm 45% tổng số lượng nhân viên Huawei. Hiện tại, mức đầu tư cho R&D của năm 2020 là 21,8 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng doanh thu của công ty và con số dự kiến sẽ tăng đến 100 tỷ USD trong 5 năm tới. Cuộc trường chinh của Huawei sẽ kéo dài mãi vì những tiến bộ cho ngành ICT thế giới, không chỉ là marathon mà là ultramarathon.
Nhờ các khoản đầu tư và đổi mới sáng tạo, Huawei cũng trở thành một trong những công ty sở hữu nhiều bằng sáng chế nhất. 87.805 bằng sáng chế, trong đó 11.152 bằng sáng chế được cấp ở Hoa Kỳ và hơn 6.600 bằng sáng chế đồng dạng được cấp ở châu Âu, những con số ấn tượng liên tiếp đưa Huawei trở thành điểm sáng trong bảng xếp hạng các công ty tích cực đổi mới sáng tạo. Riêng trong lĩnh vực 5G, gã khổng lồ công nghệ nắm 20% tổng số bằng sáng chế trên thế giới, gắn liền với những cải tiến, ứng dụng quan trọng cho điện thoại di động và các nhà khai thác viễn thông.
Là “người anh lớn” trong ngành ICT, Huawei còn tích cực tham gia vào hơn 360 cơ quan tiêu chuẩn và đưa ra hơn 54.000 giải pháp để thiết lập các tiêu chuẩn ngành. Tập đoàn thường xuyên đầu tư vào các cộng đồng nguồn mở, hợp tác với các công ty lớn trong ngành để đổi mới trong nhiều lĩnh vực như điện toán đám mây, 5G và IoT (Internet of Things).
Huawei còn đề xướng thành lập các tổ chức tiêu chuẩn ngành mới để thúc đẩy sự tiến bộ trong công nghệ. Điển hình là xây dựng nền tảng tiêu chuẩn M2M cùng Qualcomm, thành lập Liên minh công nghiệp Mạng quang 2020 cùng Nokia, Infinera, hay Liên minh ô tô 5G cùng Audi, BMW…
Tích hợp thành tố An ninh mạng trở thành DNA của công ty
Dẫn đầu về công nghệ luôn kéo theo những thách thức về bảo mật. Bài toán về an ninh mạng và quyền riêng tư đã và đang trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu của các ông lớn công nghệ. Trong đó, Huawei đã góp phần không nhỏ để đưa ra lời giải quan trọng cho các tiêu chuẩn bảo mật chung.
Ông Nhậm Chính Phi đã đề bút trong Sách trắng về An ninh mạng của Huawei như sau: “Trong thế giới của hai số 0 và 1, chúng tôi hiểu an toàn là tiền đề và cơ sở của mọi điều. Huawei xem an ninh mạng và bảo vệ quyền riêng tư cá nhân là ưu tiên cao nhất. An ninh mạng hằn sâu vào mọi phương diện của Huawei từ quản lý, kiểm toán, quy trình, chính sách, sản phẩm đến hệ thống đảm bảo an ninh mạng toàn cầu đầu cuối”.
Để đảm bảo chiến lược an ninh mạng, Huawei áp dụng cách tiếp cận “nhúng” để tích hợp các yêu cầu bảo mật trong quy trình kinh doanh, biến bảo mật thành một phần trong DNA của công ty. Việc đảm bảo an ninh mạng và quyền riêng tư không chỉ được vận hành bởi các nhân viên an ninh chuyên trách, mà mỗi bộ phận, mỗi nhân nhân viên đều được thấm sâu các vấn đề an ninh trong quy trình làm việc.