Đêm qua, truyền thông Mỹ đã đồng loạt đưa tin liên minh tranh cử của cựu Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ Kamala Harris giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng sau khi vượt qua cột mốc 270 phiếu đại cử tri.
Là người phụ nữ đầu tiên trở thành Phó Tổng thống đắc cử, nữ chính trị gia gốc Ấn xuất thân là 1 luật sư và trở thành Thượng nghị sĩ đại diện cho bang California từ năm 2017.
Sinh ra tại Oakland, California, bà Harris tốt nghiệp trường Đại học Howard và Đại học California, Cao đẳng Luật Hastings. Mẹ bà, Shyamala Gopalan, là một nhà khoa học ung thư vú di cư từ Tamil Nadu, Ấn Độ, năm 1960 để theo học tiến sĩ ngành nội tiết học tại UC Berkeley. Cha bà, Donald J. Harris, là một giáo sư danh dự chuyên ngành kinh tế của Đại học Stanford, nhập cư từ Jamaica năm 1961 để học kinh tế tại UC Berkeley.
Bà bắt đầu sự nghiệp tại Văn phòng Công tố viên Quận Alameda, trước khi gia nhập Văn phòng Công tố viên San Francisco và sau là văn phòng của Luật sư thành phố San Francisco. Năm 2010, bà được bầu làm Tổng chưởng lý California.
Năm 2016, bà trở thành phụ nữ người Mỹ gốc Phi thứ hai và gốc Nam Á đầu tiên được bầu vào Thượng viện Hoa Kỳ.
Là một thượng nghị sĩ, bà ủng hộ cải cách y tế, hợp pháp hóa cần sa, hỗ trợ trao quyền công dân cho người nhập cư không có giấy tờ, đạo luật DREAM, cấm vũ khí tấn công, và cải cách thuế lũy tiến. Bà bắt đầu được quan tâm với những câu hỏi thẳng thắn cho quan chức chính quyền Trump trong những phiên điều trần Thượng viện.
Trên chính trường, bà nổi như cồn nhờ tài năng chất vấn nhằm vào ứng cử viên được đề cử vào Tòa án tối cao Hoa Kỳ Brett Kavanaugh cũng như Tổng công tố liên bang William Barr tại các phiên điều trần ở Thượng viện hay cựu Bộ trưởng Tư pháp Jeff Sessions và cấp phó Rod Rosenstein của ông.
Gần đây, bà tham gia cùng Thượng nghị sĩ Bernie Sanders xây dựng dự luật cung cấp cho hầu hết người Mỹ 2.000 USD mỗi tháng trong đại dịch Covid-19. Bà cũng tham gia những dự luật quan trọng khác, như dự luật cải cách tại ngoại và dự luật về quấy rối tình dục công sở.
Những điều đầu tiên rất đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ
Trở thành Phó Tổng thống đắc cử, bà Harris đánh dấu rất nhiều điều đầu tiên trong lịch sử chính trường Mỹ: người phụ nữ đầu tiên, người da màu đầu tiên và người gốc Ấn đầu tiên ngồi vào vị trí này.
Trong bài phát biểu mừng chiến thắng cách đây ít phút, bà thừa nhận rằng Tổng thống đắc cử Joe Biden đã làm nên lịch sử khi chọn bà làm người đồng hành trong cuộc đua vào Nhà Trắng. “Ông ấy đã phá vỡ một trong những rào cản lớn nhất đã tồn tại ở đất nước chúng ta và chọn 1 người phụ nữ làm ứng viên Phó Tổng thống sát cánh cùng ông ấy”, bà nói.
Chồng của bà, Douglas Emhoff, cũng đã làm nền lịch sử. Ông là người Do thái đầu tiên làm hôn thê của 1 Tổng thống hoặc Phó Tổng thống.
Giờ đây tất cả mọi người từ các nhà phân tích chính trị đến các nhà hoạt động chống phân biệt chủng tộc đều đang chờ đợi để xem những điều đầu tiên này chỉ mang tính biểu tượng hay sẽ đánh dấu sự khởi đầu của 1 cuộc thay đổi mang tính cách mạng về bình đẳng giới và bình đẳng chủng tộc.
Tuy nhiên chỉ cần 1 chiến thắng mang tính biểu tượng cũng đã mang ý nghĩa rất quan trọng. Theo các chuyên gia phân tích, những phụ nữ da màu chính là hậu phương vững chắc của đảng Dân chủ. Họ hào hứng đi bỏ phiếu với số lượng lớn, trở thành những tình nguyện viên trong chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và góp sức giúp đảng Dân chủ thắng ở những bang chủ chốt.
Trong bài phỏng vấn “60 Minutes” với đài CBS thực hiện hồi tháng trước, Harris cam kết rằng bà sẽ đem những khía cạnh đa dạng của bản thân đến nội các của ông Biden. “Tôi hứa rằng – và đây cũng là điều mà Joe muốn tôi thực hiện – tôi sẽ luôn luôn chia sẻ những kinh nghiệm sống của mình miễn là chúng liên quan đến những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt”.
Trong số những kinh nghiệm đó có cả việc bà là con gái của 1 người nhập cư gốc Ấn và cha bà sinh ra ở Jamica. Bà là người theo đạo Thiên chúa nhưng cũng thường tới các ngôi đền Hindu với mẹ mình.
Tiểu sử của bà Harris có thể giúp thu hút cả những cử tri gốc Á, nhóm đang có tốc độ phát triển nhanh nhất ở Mỹ và cả hai đảng Dân chủ và Cộng hoà đều đang cố gắng thu hút họ.
Tham khảo Wikipedia, Bloomberg