Hạ tầng – Chìa khóa phục hồi kinh tế ĐBSCL hậu Covid
Các chuyên gia kinh tế nhận định, thúc đẩy xây dựng hạ tầng, tăng cường liên kết vùng chính là đòn bẩy quan trọng bậc nhất trong việc phục hồi kinh tế hậu Covid. Khu vực nào làm tốt vấn đề liên kết và quy hoạch vùng sẽ tận dụng được các tiềm năng, lợi thế vốn có của các địa phương, từ đó tạo điều kiện phục hồi kinh tế nhanh chóng.
Là một trong những khu vực nhận được nguồn vốn đầu tư nhiều nhất, ĐBSCL đã và đang cho thấy được nhiều triển vọng thay đổi bộ mặt khu vực. Tính từ 2016, hàng loạt công trình hạ tầng trọng điểm đã được triển khai: Cao tốc TPHCM – Trung Lương, tuyến Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, cầu Vàm Cống, cầu Cao Lãnh… Các dự án này góp phần không nhỏ trong việc tăng cường liên kết thị trường và phát triển kinh tế của các địa phương.
Chỉ tính riêng về giao thông vận tải, nếu giai đoạn 2011 – 2015, số vốn đầu tư cho ĐBSCL chỉ chiếm 12,26% đầu tư thực hiện của cả nước thì giai đoạn 2016 – 2020, con số này đã tăng lên 15,5%. Dự kiến, trong giai đoạn tiếp theo, ĐBSCL sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hạ tầng giao thông, chiếm tỉ lệ 20% trên tổng số vốn đầu tư vào GTVT của cả nước.
Theo phát biểu của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Hội nghị lần thứ 3 về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn năm 2021 – 2025, tổng số vốn được rót vào khu vực ĐBSCL sẽ đạt xấp xỉ 388.000 tỷ. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến là bức tranh hạ tầng gồm 1.000 km đường bộ, hơn 15.000 km đường biển, gần 60 cảng thủy nội địa và 2 cảng biển nước sâu sẽ được đưa vào hoạt động.
Dễ dàng nhận thấy, trong tương lai, diện mạo của ĐBSCL sẽ được cải thiện ngoạn mục nhờ sự kết nối đồng bộ các phương thức vận tải, trở thành động lực phát triển kinh tế to lớn, tạo động lực lan tỏa thúc đẩy nhiều ngành nghề, lĩnh vực bứt phá.