Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money, doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ này phải đáp ứng điều kiện gì?

Khi nào người dân có thể sử dụng Mobile Money, doanh nghiệp muốn cung cấp dịch vụ này phải đáp ứng điều kiện gì?

Với gần 125 triệu thuê bao di động, khoảng 30% người trưởng thành chưa có tài khoản ngân hàng, cơ hội cho việc phát triển dịch vụ Mobile Money (dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ) tại Việt Nam là rất lớn. Việc phát triển Mobile Money sẽ cung cấp cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng, đối tượng người dân vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, biên giới, hải đảo một kênh giao dịch, phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) nhanh chóng và thuận tiện; từ đó, góp phần làm tăng tỷ lệ TTKDTM và thúc đẩy tài chính toàn diện theo chủ trương của Chính phủ.

Ngày 09/3/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 316/QĐ-TTg về việc phê duyệt triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Quyết định 316). Theo quy định, thời gian thực hiện thí điểm dịch vụ Mobile-Money là 2 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp đầu tiên thực hiện thí điểm được chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này. Kết quả thí điểm triển khai dịch vụ Mobile-Money sẽ là cơ sở thực tiễn để cơ quan quản lý có thẩm quyền xem xét, xây dựng và ban hành các quy định pháp lý chính thức cho hoạt động cung ứng dịch vụ tại Việt Nam.

Để có thể hiểu thêm về dịch vụ Mobile-Money, cách thức triển khai và các giải pháp đảm bảo triển khai thí điểm dịch vụ này được thành công, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Kim Anh đã chia sẻ với truyền thông.

Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về những lợi ích khi triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile- Money)?

Về cơ bản, Mobile Money hướng đến đối tượng khách hàng là người dân miền núi, vùng sâu vùng xa, các vùng nông thôn, chưa có tài khoản ngân hàng cũng như điều kiện sử dụng các dịch vụ thanh toán hiện đại. Do đó, Mobile-Money nếu được quản lý tốt sẽ có những ảnh hưởng tích cực đến nền kinh tế và các đối tượng tham gia. Cụ thể:

Đối với nền kinh tế: thị trường có thêm các nhà cung cấp dịch vụ thanh toán TTKDTM, tăng cường việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính, đặc biệt tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, Mobile Money được phát triển dựa trên tận dụng hạ tầng viễn thông nên sẽ giảm các chi phí xã hội để phát triển TTKDTM.

Đối với các Doanh nghiệp viễn thông triển khai dịch vụ Mobile-Money: sẽ phát triển và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ và đối tượng khách hàng (ngoài các dịch vụ viễn thông truyền thống), nhờ đó, mở rộng thị trường, tăng doanh thu và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Đối với khách hàng: Mobile-Money cung ứng cho nhóm khách hàng không có tài khoản ngân hàng một kênh giao dịch nhanh chóng và thuận tiện, sử dụng 24/7, thanh toán mọi lúc, mọi nơi với thiết bị di động. Mobile-Money cũng góp phần phổ cập kiến thức tài chính toàn diện cho toàn dân. Thông qua đó, người sử dụng sẽ dần quen với sử dụng các dịch vụ tài chính chính thức khác tại các ngân hàng và các tổ chức trung gian thanh toán. Bên cạnh đó, dưới áp lực cạnh tranh buộc các tổ chức cung ứng dịch vụ phải nâng cao chất lượng dịch vụ, do đó, khách hàng được trải nghiệm dịch vụ tốt hơn.