Tỷ phú “liều ăn nhiều” sắp trở thành người giàu nhất Nhật Bản?

Tỷ phú “liều ăn nhiều” sắp trở thành người giàu nhất Nhật Bản?

Đợt tăng mới nhất này đã nâng tài sản của Son lên 48 tỷ USD, chỉ còn thấp hơn một chút so với giá trị tài sản ròng 48,2 tỷ USD của tỷ phú bán lẻ Tadashi Yanai, người giàu nhất Nhật Bản hiện nay.

Cổ phiếu của SoftBank đã tăng 221% kể từ khi Son, người sáng lập công ty, xuất hiện trong Danh sách tỷ phú thế giới vào năm 2020, khi giá trị tài sản ròng của ông ở mức 16,6 tỷ USD. Hiện tại, Son sở hữu 27% cổ phần ở công ty này.

Các nhà phân tích cho rằng sự tăng giá gần đây của cổ phiếu SoftBank là do một loạt yếu tố khác nhau, từ việc bán tài sản để có tiền mua lại cổ phiếu đến một chuỗi thương vụ IPO thành công trong vài tháng qua.

Từ tháng 4 đến tháng 09/2020, SoftBank đã thực hiện một đợt bán ra mang lại cho họ khoản tiền tích lũy lên đến 5,6 nghìn tỷ yên (53 tỷ USD), trong đó bao gồm cổ phần ở nhà điều hành mạng không dây của Mỹ T Mobile, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc Alibaba cũng như công ty liên kết viễn thông SoftBank Corp. Nguồn tiền mới thu về này giúp họ có thể mua lại một lượng cổ phiếu có giá trị 1.3 nghìn tỷ yên, tính đến ngày 31/01/2021.

Ngoài ra, SoftBank đã ký một thỏa thuận trị giá 40 tỷ USD vào tháng 09/2020 để bán cổ phần của mình ở nhà thiết kế chip Arm cho nhà sản xuất chất bán dẫn Nvidia của Mỹ. SoftBank cũng báo cáo những con số rất ấn tượng trong 9 tháng (kết thúc vào ngày 31/12/ 2020): doanh thu thuần tăng 6% lên 4,138 tỷ yên (40 tỷ USD), trong khi thu nhập ròng tăng 541% lên 3.055,2 tỷ yên (29,6 tỷ USD). Các Quỹ Tầm nhìn SoftBank 1 và 2 cũng giúp họ thu được 27,6 tỷ USD trong cùng giai đoạn này.

Mỉa mai thay, đại dịch virus corona lại góp phần vào kết quả tích cực này. Trong một bài thuyết trình vào tháng 2, SoftBank lưu ý rằng liên quan đến các quỹ tầm nhìn, “đã có một sự tăng trưởng đáng kể về giá trị tài sản, chủ yếu là do nhu cầu lớn hơn đối với các dịch vụ trực tuyến do ảnh hưởng của Covid-19 và những thương vụ IPO của các công ty trong danh mục đầu tư”.

Một loạt thương vụ IPO thành công của các công ty do Son hậu thuẫn ở thung lũng Silicon, như nền tảng giao dịch bất động sản trực tuyến Opendoor, ứng dụng giao đồ ăn DoorDash và trang phục y sinh Seer, đã góp phần giúp cho cổ phiếu SoftBank trở nên hấp dẫn hơn. Son đang tìm kiếm thêm nhiều vụ IPO thành công như thế trong năm 2021 với các công ty khởi nghiệp được SoftBank hậu thuẫn như công ty bảo hiểm Ấn Độ PolicyBazaar và công ty gọi xe Didi Chuxing của Trung Quốc. Riêng trong tháng này, công ty thương mại điện tử Hàn Quốc Coupang, trong đó SoftBank nắm giữ hơn 1/3 cổ phần, đã nộp đơn xin IPO.

Tỷ phú Nhật Bản muốn đưa từ 10 đến 20 công ty trong danh mục đầu tư của mình ra công chúng mỗi năm, một mục tiêu mà các nhà phân tích cho rằng có thể đạt được.

“Chúng tôi tin rằng Tập đoàn SoftBank đang ở một vị trí thuận lợi khi có nhiều khoản đầu tư quy mô lớn vào các công ty tư nhân vào đúng thời điểm – đúng lúc làn sóng IPO này đang ở mức cao trào”, chuyên gia phân tích Atul Goyal của Jefferies Singapore cho biết:.

Gần đây, Son đã so sánh SoftBank với con ngỗng đẻ trứng vàng, khi nói rằng ông muốn quỹ đầu tư của mình sản xuất từ ​​10 đến 20 “quả trứng vàng” mỗi năm. Điều đó sẽ khiến cho bóng ma của thương vụ IPO thất bại của WeWork hồi năm 2019 sẽ sớm trôi vào quên lãng.