Amazon – Từ web bán sách online không có lãi suốt hàng chục năm đến tập đoàn nghìn tỷ đô bán tất cả mọi thứ

Amazon – Từ web bán sách online không có lãi suốt hàng chục năm đến tập đoàn nghìn tỷ đô bán tất cả mọi thứ

Vậy là 1 thập niên nữa của thế kỷ 21 đã trôi qua. 10 năm thăng trầm chìm nổi, các thuyền trưởng doanh nhân đã lèo lái con thuyền của mình ra sao trên thương trường đầy sóng gió – ai vững tay chèo, ai từng lạc lối?

Ôn cố tri tân, hãy cùng chúng tôi lần giở lại từng trang hồi ký về các doanh nghiệp đáng chú ý nhất trong 10 năm qua với series “ THẬP KỶ THƯƠNG TRƯỜNG ” – Câu chuyện kinh doanh nổi bật nhất của các doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Chúng tôi hi vọng series này sẽ là một món quà cuối năm ý nghĩa dành tặng đông đảo quý độc giả yêu mến CafeBiz, như slogan của chúng tôi: “Kinh doanh tốt hơn, Cuộc sống đẹp hơn” – “BETTER BUSINESS – BETTER LIFE”.


1/4 thế kỷ trước, vào ngày 5/7/1994, một công ty mang tên giống với dòng sông lớn nhất thế giới – Amazon chính thức ra đời. Đó là một công ty chuyên bán sách cho khách hàng thông qua một website trực tuyến.

Amazon không phải cửa hàng sách trực tuyến đầu tiên, trước đó có Books.com ra đời năm 1992. Tuy nhiên, Amazon tạo ra được lợi thế lớn khi cho phép người tiêu dùng tiếp cận một bộ sưu tập sách khổng lồ mà người ta không thể có đủ thời gian, chi phí và kiên nhẫn để đi qua từng cửa hiệu sách và nhà kho, trong khi không phải tốn chi phí mở cửa hiệu bán sách và lưu kho sách.

Tháng 10 năm 1995 đánh dấu cột mốc Amazon có ngày đầu tiên bán được 100 cuốn sách. Như vậy trong chưa đầy 1 năm, hãng đã ghi được kỷ lục nhận một đơn đặt hàng mua số lượng 100 cuốn sách.

Nhà sáng lập Jeff Bezos khi ấy đặt mục tiêu biến Amazon thành “cửa hàng bán mọi thứ”. “Amazon sẽ không chỉ trở thành cửa hàng bán mọi thứ là một công ty bán mọi thứ”.

Những người mua sách tìm đến Amazon.com vì họ muốn có những đầu sách hiếm, khó tìm và từ đó Amazon nổi danh là nhà cung cấp có tất cả những gì khách hàng cần, là “cửa hàng sách lớn nhất thế giới”.

Bản thân CEO Jeff Bezos thì tuyên bố chắc nịch: Ngay cả những người thích lang thang qua các hiệu sách nhất cũng sẽ mua hàng của Amazon. Tại sao vậy? Tại vì Amazon mang đến điều mà không nhà bán lẻ nào trên thế giới thực có thể làm được: đó là khả năng mua sách từ cơ sở dữ liệu sách lớn nhất thế giới.

ĐỊNH HÌNH NGÀNH BÁN LẺ 

Sau 25 năm, Amazon đã định hình lại ngành bán lẻ mãi mãi. Họ là một trong 3 công ty giá trị nhất thế giới, với vốn hóa thị trường đạt 1.000 tỷ USD, tức là lớn hơn GDP của gần 200 quốc gia khác.

Nếu mua lượng cổ phiếu trị giá 100 USD thời điểm Amazon mới IPO vào năm 1997, hiện tại số tiền này đã trị giá 120.000 USD.

Ngày nay Amazon bán tất tần tật không kể thứ gì, từ đồ công nghệ cho đến thực phẩm, từ quần áo cho đến… cuộn giấy vệ sinh. Amazon đã thực sự trở thành cửa hiệu lớn nhất thế giới, đúng như những gì Bezos kỳ vọng.

Một thống kê năm 2016 cho thấy Amazon chiếm 43% các hoạt động mua sắm trực tuyến trên toàn thế giới. Giữa tháng 9 năm 2018, vốn hóa thị trường của Amazon vượt mốc 1.000 tỷ USD. Tổng số nhân viên của công ty là hơn 300.000 người. Theo một tính toán năm 2013, mỗi ngày Amazon vận chuyển 1,6 tỷ đơn hàng.

Trong ngành bán lẻ cốt lõi, Amazon đã giúp định hình lại mọi thứ. Các mặt hàng tăng lên mỗi ngày, hàng hóa được giao ngay trong ngày, mô hình “nhấp chuột và nhận hàng” với AmazonFresh đang được thử nghiệm, và với cửa hàng không nhân viên đầu tiên Amazon Go đã được mở tại Seattle vào tháng 1/2018, Amazon được cho là đã khai sinh ra kiểu cửa hàng tiện lợi của tương lai.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi thấy các nhà bán lẻ truyền thống đang “thất thế” trước Amazon. Từ năm 2015 hãng đã vượt qua “lão làng bán lẻ” Walmart để trở thành nhà bán lẻ có giá trị vốn hóa thị trường lớn nhất thế giới.

Một vài chuỗi bán lẻ khác đang phải sa thải nhân viên và đóng cửa nhiều cửa hàng vì hoạt động kinh doanh sa sút. Việc bỏ ra 13,7 tỷ đô mua lại Whole Foods – một siêu thị cao cấp với hơn 400 cửa hàng “ngoài đời thực” cho thấy tham vọng lấn sân của Amazon sang mảng bán lẻ truyền thống đã được hiện thực hóa.

Trong lá thư gửi cổ đông năm 1999, Bezos viết: “Chúng ta sẽ lắng nghe khách hàng, cá nhân hóa cửa hàng cho từng người và làm việc chăm chỉ để giành được sự tin tưởng của họ. Mỗi sản phẩm và dịch vụ mới sẽ giúp chúng ta phù hợp hơn với nhiều nhóm khách hàng và có thể tăng tần suất ghé thăm của họ”.

Sức ảnh hưởng của Amazon cũng mở rộng ra các ngành công nghiệp khác, gồm cả thiết bị tiêu dùng thông minh, dịch vụ điện toán đám mây, các dịch vụ và sản phẩm công nghệ.

Amazon đang tăng tốc trong cuộc đua trí tuệ nhân tạo (AI). Trong lĩnh vực nhà thông minh, với Amazon Echo Dot và Alexa, Amazon cũng đang dẫn trước cả Apple và Google, theo tờ Reuters và Fortune.

Amazon còn được cho là một thế lực mới của ngành quảng cáo, chỉ đứng sau Google và Facebook. Quy mô kinh doanh quảng cáo mở rộng tới độ Amazon đã mở một văn phòng quảng cáo lớn tại Manhattan. eMarketer phỏng đoán doanh thu quảng cáo số của công ty là 1,8 tỷ trong năm 2017. Mặc dù con số này vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với Facebook và Google, nhưng Amazon sở hữu một lợi thế đáng gờm mà hai ông lớn quảng cáo đi trước có mơ cũng không có được: hệ thống dữ liệu về hành vi mua sắm của khách hàng.

Trên thực tế, “con sông” Amazon của Jeff Bozes đã âm thầm chảy lấn qua rất nhiều lĩnh vực, biến họ trở thành một gã khổng lồ đích thực ở quy mô rộng khắp. Họ hiện là công ty tuyển dụng lớn nhất trong ngành công nghệ. Số lượng nhân viên của Amazon lớn hơn 5 công ty công nghệ xếp sau đó cộng lại.