Đằng sau những chiếc bỉm “nội địa Trung” bán đầy chợ mạng: Mẹ ham rẻ, con rước đủ thứ bệnh do nấm mốc và hóa chất từ bỉm rởm… (P2)

Đằng sau những chiếc bỉm “nội địa Trung” bán đầy chợ mạng: Mẹ ham rẻ, con rước đủ thứ bệnh do nấm mốc và hóa chất từ bỉm rởm… (P2)

Phần trước: Đằng sau những chiếc bỉm “nội địa Trung” bán đầy chợ mạng: Giá rẻ “xả kho” quanh năm, “chất lượng châu Âu, công nghệ Mỹ, nguyên liệu Nhật”?

Thận trọng với tã bỉm giá rẻ gắn mác “nội địa Trung” nhưng dân Trung không sử dụng

Năm 2018, trung tâm Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) tại Hà Nội đưa cảnh báo hơn 1.400 bé trai bị bất thường trong phát triển bộ phận sinh dục. Nguyên nhân chính được các chuyên gia nhận định đến từ tác hại do sử dụng tã bỉm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Quan sát ngẫu nhiên khoảng 10 sản phẩm có mặt trên một sàn thương mại điện tử, phải có đến 6-7 loại tã xuất hiện dưới những cái tên hoàn toàn xa lạ được quảng cáo là hàng “nội địa Trung”.

Nhiều loại bỉm được quảng cáo là hàng “nội địa Trung”, có mức giá niêm yết rẻ đến khó tin có lượng bán ra rất lớn. Điều này phần nào đánh trúng tâm lý “ham rẻ” của không ít bậc phụ huynh trong thời dịch bệnh Covid-19, buộc phải giảm mọi khoản chi phí có thể. Các trang thương mại điện tử, cửa hàng tạp hóa tại nhiều tỉnh, thành cũng bày bán rất nhiều các nhãn bỉm giá rẻ. Trong khi chất lượng sản phẩm lại là dấu hỏi lớn.

Tìm hiểu kĩ hơn trong các hội nhóm trên mạng xã hội, có không ít đánh giá tiêu cực của bậc phụ huynh sau khi mua và sử dụng bỉm “nội địa Trung”. Thường thấy nhất là phàn nàn về chất lượng sản phẩm không đúng như quảng cáo, bỉm khi mới bóc ra đã nồng mùi thuốc tẩy, thấm hút kém, dễ vón cục, bé bị hăm, nổi mẩn, thậm chí viêm nhiễm bộ phận sinh dục khi sử dụng. Chưa kể, nhãn mác in trên bao bì lẫn lộn nhiều thứ tiếng nước ngoài, thông tin mơ hồ khó có thể kiểm chứng.

Những chiếc bỉm được quảng cáo là “nội địa Trung” xuất Mĩ, xuất Nhật, xuất Châu Âu với đủ thứ ngôn ngữ lẫn lộn trên bao bì từ tiếng Nhật, tiếng Anh, tiếng Hàn. Tuy nhiên, chỉ cần dành vài phút để tìm kiếm thì người tiêu dùng đã phải đặt dấu chấm hỏi lớn cho những chiếc bỉm “cao cấp” loại này.

Lấy ví dụ như bỉm Supdry, bao bì toàn tiếng Anh và tiếng Nhật được quảng cáo là “hàng nội địa Trung, sử dụng công nghệ Nhật Bản”. Tuy nhiên, khi truy xuất tên loại tã này ở các trang thương mại điện tử uy tín của Trung Quốc như Alibaba, Taobao… thì không thấy loại bỉm này được bày bán. Tìm hiểu thêm, tã trẻ em Supdry này đã được một công ty đặt hàng gia công tại các xưởng sản xuất tại Trung Quốc và được tuồn về Việt Nam tiêu thụ.

Cùng khai thác tâm lí chuộng đồ Nhật của các mẹ Việt, một nhãn hiệu bỉm Nanu Baby khá đắt hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm được quảng cáo sản phẩm này chuyên xuất sang Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Việt Nam, “đạt hàng loạt tiêu chuẩn chất lượng như Châu Âu, Bắc Mĩ, HACCP,…”, nhưng giá thành rất rẻ. Nhưng khi tìm kiếm tên sản phẩm này trên trang web thương hiệu Quanzhou Hengyi Hygiene Products (in trên bao bì bỉm Nanu), không có kết quả nào hiển thị.