Thị trường thời trang Việt Nam: Miếng bánh tỷ USD và những nguy – cơ giữa đại dịch Covid-19

Thị trường thời trang Việt Nam: Miếng bánh tỷ USD và những nguy – cơ giữa đại dịch Covid-19

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát đi cùng diễn biến ngày càng phức tạp đã, đang và tiếp tục gây áp lực lên nền kinh tế nói chung, cũng như các lĩnh vực kinh doanh nói riêng. Xếp hàng vào nhóm bị tác động nặng nề bởi đại dịch, ngành công nghiệp thời trang thế giới đang có sự dịch chuyển rất mạnh sau đợt suy thoái nặng nề từ năm 2020.

Từ sự đổ bộ của thương hiệu quốc tế lên thị trường thời trang Việt Nam

Ghi nhận, Covid-19 đã đẩy hàng loạt thương hiệu thời trang lớn trên thế giới vào bờ vực phá sản, điển hình có J.Crew – thương hiệu bán lẻ thời trang học sinh sinh viên của Mỹ, Esprit hay mới nhất là JCPenney – chuỗi cửa hàng bán lẻ thâm niên 118 năm cũng vừa nộp đơn phá sản vào tháng 5/2021…

Hệ quả, một làn sóng dịch chuyển sang của các thương hiệu sang thị trường mới từ cuối năm 2020 diễn ra mạnh mẽ, và Việt Nam là một điểm đến được ưu tiên với công tác phòng chống dịch hiệu quả, đi cùng nền kinh tế tăng trưởng dương trong khu vực.

Báo cáo từ Virac cho thấy, doanh thu thị trường thời trang Việt Nam năm 2020 có giảm do nhu cầu chi tiêu giảm, tuy nhiên mức giảm dừng lại ở mức 10% so với năm 2019. Trong đó, quần áo vẫn đóng góp doanh thu lớn với hơn 50% trong tổng doanh thu toàn ngành.

Đặc biệt, sự đổ bộ của nhiều thương hiệu thời trang nước ngoài đã đẩy ngành thời trang nội vốn chỉ có thị phần nhỏ giờ càng bị thu hẹp hơn, báo cáo nhấn mạnh. Tính đến cuối năm 2020, có đến hơn 200 thương hiệu nước ngoài từ tầm trung đến cao cấp đã có cửa hàng chính thức tại Việt Nam, và các thương hiệu quốc tế lớn như H&M, Zara, Uniqlo… đang chiếm ưu thế.

Chiều ngược lại, không có doanh nghiệp nội địa nào nắm quá 2% thị phần ngành thời trang Việt Nam trong năm qua. Chính người trong cuộc cũng thẳng thắn thừa nhận: Người Việt Nam ít được tiếp cận với các sản phẩm thời trang “Made in Vietnam”.