CTCP Phân bón Dầu khí Cà Mau (DCM) vừa có tổng kết tình hình SXKD, ghi nhận việc giá dầu thế giới và giá khí thiên nhiên đang tăng mạnh đã ảnh hưởng không nhỏ đến chi phí sản xuất của các đơn vị.
Cùng với đó, kể từ khi làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 bùng phát đến nay, doanh nghiệp đã chi hơn 100 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19 theo tinh thần “sản xuất 3 tại chỗ”. Ngoài ra, còn phải kể đến các chi phí liên quan đến lưu thông, vận chuyển, chậm giải phóng tàu, giải phóng kho… tăng 15% do phát sinh liên quan đến hoạt động xét nghiệm, thông chốt, thông quan, chuyển khẩu tại chỗ.
Dù vậy, với việc duy trì hoạt động ổn định với 110% công suất, nhà máy Đạm Cà Mau vừa cán mốc 8 triệu tấn sản phẩm ure, tăng 1 triệu tấn kể từ tháng 9/2020 (lúc bấy giờ nhà máy đạt 7 triệu tấn ure sau 9 năm vận hành).
Được biết, cụm khí – điện – đạm chính thức hoàn chỉnh và đi vào hoạt động từ năm 2011, với tổng mức đầu tư hơn 900 triệu USD. Với công suất thiết kế từ trên 103 – 110%, nhà máy cung ứng 800.000 tấn ure mỗi năm. Từ tháng 2/2019, DCM tiếp tục đưa hệ thống Permeat Gas vào vận hành với công suất thu hồi gas vượt 30%, giảm lượng tiêu thụ khí tự nhiên khoảng 1.900GJ/ngày. Kết quả, chi phí sản xuất của Công ty cũng giảm từ 43 đến 68 tỷ/năm.
Hiện, DCM cung ứng cho khu vực ĐBSCL, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, song song duy trì ổn định 60% thị phần Tây Nam Bộ. Từ đầu năm 2021, dù gặp nhiều khó khăn, ban lãnh đạo DCM cho biết Công ty vẫn tiêu thụ 930.650 tấn, xuất hiệu quả 300.000 tấn ure sang đối tác thân thiết Campuchia, cung ứng đều đặn sang Myanmar, Thái Lan, Philippines…
Ngoài ra, phân xưởng NPK Cà Mau chính thức vận hành quý 3/2019 với công suất 300.000 tấn/năm làm phong phú hơn sản phẩm và sản lượng phục vụ.
Trên thị trường, cổ phiếu DCM những phiên gần đây tăng mạnh với thanh khoản đột biến. Chốt phiên 7/10/2021, DCM đạt mức 29.900 đồng/cp, tăng 26% chỉ sau 1 tuần giao dịch.