Lý do thiếu hụt xăng dầu: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lỗ hơn 61.000 tỷ sau 3 năm vận hành thương mại, âm nặng vốn chủ dù được chống lưng bởi loạt tập đoàn lớn

Lý do thiếu hụt xăng dầu: Nhà máy lọc dầu Nghi Sơn lỗ hơn 61.000 tỷ sau 3 năm vận hành thương mại, âm nặng vốn chủ dù được chống lưng bởi loạt tập đoàn lớn

Thời điểm cuối tháng 1, đầu tháng 2/2022, thị trường xăng dầu đã xuất hiện hiện tượng khan cung, một số đơn vị kinh doanh đóng cửa, tạm ngưng hoạt động, bán hàng nhỏ giọt, một phần nguyên nhân là do không đủ nguồn cung xăng dầu.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, về tổng thể, nguồn cung trong nước đến thời điểm hiện nay vẫn được đảm bảo. Bình thường, các Nhà máy Nghi Sơn, Bình Sơn đã đáp ứng được khoảng 75% cho nhu cầu xăng dầu của thị trường trong nước, lượng xăng dầu cần nhập khẩu chỉ là 25%. Từ đầu tháng 01/2022, do Nhà máy Lọc hoá dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất, nên có ảnh hưởng đến nguồn cung. Vì vậy, các doanh nghiệp đầu mối cần tăng nhập khẩu để bù vào lượng thiếu hụt nên thị trường có chút “trục trặc”.

Trước Tết Nguyên Đán, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam lên tiếng trước thông tin Nhà máy lọc hoá dầu Nghi Sơn (NSRP) phải hủy nhập 2 tàu dầu thô trong tháng 01/2022 và đối diện với nguy cơ dừng hoạt động vào ngày 13/02/2022 do khó khăn nghiêm trọng về tài chính, bắt nguồn từ việc PVN chưa phê duyệt gia hạn thỏa thuận (RPA) và thanh toán sớm (EP) Hợp đồng FPOA. PVN cho rằng, thực chất theo Điều lệ Công ty, Ban điều hành NSRP phải chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động SXKD, bao gồm công tác nhập dầu thô và công suất vận hành Nhà máy…Việc NSRP tự ý hủy nhập 2 chuyến tàu dầu thô dẫn đến nguy cơ dừng hoạt động Nhà máy hoàn toàn thuộc phạm vi trách nhiệm của Ban điều hành NSRP, không liên quan tới việc phê duyệt gia hạn RPA và EP. Các vấn đề về RPA và EP là các nội dung nằm trong phương án tái cấu trúc tổng thể NSRP và đang trong quá trình đàm phán.

Được biết, hiện Nghi Sơn chỉ hoạt động dưới 80% công suất trong khi cung ứng khoảng 35% thị phần xăng dầu.

Dự án Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn được khởi công ngày 23/10/2013, chính thức đi vào vận hành thương mại từ ngày 14/11/2018, là công trình trọng điểm quốc gia, có quy mô xây dựng và tổng mức đầu tư lớn nhất Việt Nam từ trước tới nay với tổng vốn đăng ký đầu tư 9 tỷ USD, công suất 10 triệu tấn dầu thô/năm, công suất giai đoạn I là 200.000 thùng dầu thô/ngày (gần gấp đôi công suất Nhà máy Lọc dầu Dung Quất).

Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn (NSRP) được đầu tư bởi 4 đối tác liên doanh là Tập đoàn dầu khí Việt Nam chiếm 25,1% vốn điều lệ, Công ty Idenmitsu Kosan 35,1%, Công ty Hóa chất Mitsui 4,7%, Tập đoàn dầu mỏ Cô-oét 35,1%.

Nghi Sơn được kỳ vọng góp phần bảo an ninh năng lượng quốc gia, đáp ứng 40% nhu cầu xăng dầu trong nước, tạo điều kiện căn bản cho các ngành công nghiệp sau lọc dầu và dịch vụ phát triển; tăng thu ngân sách, tạo ra nhiều việc làm và đóng góp lớn vào tăng trưởng kinh tế, xã hội của Tỉnh Thanh Hóa nói riêng và của cả nước.

Vấn đề của Nghi Sơn ở chỗ: Theo thỏa thuận giữa Chính phủ – do PVN thay mặt ký với liên doanh nhà đầu tư, PVN sẽ là đơn vị bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn, với giá bán buôn tại cổng nhà máy bằng với giá xăng dầu nhập khẩu mà cộng thêm thuế nhập khẩu 7% với các sản phẩm xăng dầu, 3% đối với các sản phẩm hóa dầu (polypropylen, benzen…). Trong 10 năm (đến 2028), nếu Việt Nam giảm thuế nhập khẩu xuống thấp hơn mức ưu đãi kể trên, PVN sẽ có trách nhiệm bù cho Lọc dầu Nghi Sơn số tiền chênh lệch này.

Trên thực tế, theo Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), với xăng từ năm 2023 thuế nhập khẩu đã xuống 5% và từ năm 2024 là 0%. Diesel và mazut là 0% từ năm 2016. Còn theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Hàn Quốc (VKFTA), thuế nhập khẩu diesel từ 2016 là 5% và từ năm 2018 là 0%, riêng mazut từ năm 2016 thuế nhập khẩu đã là 0%. Với thoả thuận Việt Nam phải giữ thuế nhập khẩu các mặt hàng xăng dầu ở mức không thấp hơn 7% cho đến hết năm 2028, PVN sẽ phải bù lỗ hàng tỷ USD cho Nghi Sơn.