Cứ mỗi lần sửa Luật hoặc tạm lắng vì dịch, thị trường BĐS lại mạnh mẽ “bật dậy”

Cứ mỗi lần sửa Luật hoặc tạm lắng vì dịch, thị trường BĐS lại mạnh mẽ “bật dậy”

Chia sẻ tại tọa đàm mới đây, ông Nguyễn Mạnh Khởi, Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) khẳng định, kinh nghiệm nhận thấy, trong những giai đoạn phát triển vừa qua, cứ sau khi sửa đổi luật thì thị trường BĐS chắc chắn sẽ bùng nổ.

Theo ông Khởi, 6 tháng đầu năm 2021 có tới 55 ngàn giao dịch bất động sản, trong khi đó cả năm 2020 chỉ có 43 ngàn giao dịch. Dù dịch Covid-19, nhưng thị trường bất động sản nhận được sự quan tâm rất lớn. Ba năm vừa rồi, giá bất động vẫn tăng, một số khu vực vừa rồi tăng “nóng” đó là đất nền. Tuy nhiên, việc tăng “nóng” này là do một số nhóm nhà môi giới, đầu cơ, kích cầu nên giá đã nhanh chóng tụt xuống.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS, thị trường bất động sản cho thấy những tín hiệu lạc quan thời gian qua và khi dịch Covid-19 được kiểm soát, dự báo sẽ bùng lên. Khi Hà Nội, Tp.HCM và một số địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách khi dịch bệnh dần được khống chế thì thị trường cho thấy sự quan tâm đang trở lại, thậm chí sẽ xuất hiện tâm lý “mua sắm trả thù”.

Theo ông Khởi, lĩnh vực này vẫn còn gặp một số bất cập trong pháp lý, cần phải cải thiện trong thời gian tới. Bộ Xây dựng hiện đang trong quá xây dựng, hoàn thiện một số Nghị định về lĩnh vực bất động sản để trình Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng đang đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản nhằm hoàn thiện pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động kinh doanh bất động sản.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chuẩn bị trình Quốc hội thông qua một luật và sửa 10 luật, để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư và dự án. “Sau khi vấn đề pháp lý được hoàn thiện, dự báo thị trường sẽ phát triển khởi sắc hơn.

Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cứ sau mỗi đợt dịch tạm lắng thì bất động sản phục hồi lại rất nhanh, điều này cho thấy sức khỏe của thị trường.

Thống kê trong quý 3 từ 12 điểm cầu của Hiệp hội BĐS Việt Nam mang đến con số ngạc nhiên khi thị trường vẫn giao dịch khá sôi động ngay trong thời giãn cách. Dù lực tiêu dùng có giảm mạnh nhưng lực cầu của các nhà đầu tư thì không bởi luôn phải đi trước để đón đầu.

“BĐS có bị ảnh hưởng nhưng điều này không làm cho thị trường dừng lại mà vẫn luôn có sức sống”, ông Đính khẳng định.