Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may

Cắt giảm chi phí “cứu” doanh nghiệp dệt may

Chuỗi cung ứng đối mặt với nguy cơ đứt gãy, nhân lực thiếu hụt, vận chuyển gián đoạn và sự điều hành thiếu thống nhất của các địa phương trong sản xuất, lưu thông hàng hóa, nguyên liệu… khiến doanh nghiệp ngành dệt may như “ngồi trên đống lửa”, mục tiêu xuất khẩu năm 2021 của toàn ngành trở nên xa vời.

-Thưa ông, nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, sản xuất mà ngành dệt may đang phải đối mặt khiến mục tiêu 39 tỷ USD năm sẽ xa vời, thưa ông?

Vâng, nhờ sự vào cuộc chống dịch quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong năm 2020 đi đôi với chủ trương thực hiện mục tiêu kép, nên tình hình sản xuất, xuất khẩu của ngành dệt may các tháng đầu năm 2021 đã có kết quả tích cực. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may Việt Nam 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 25,9 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ 2020. Kim ngạch nhập khẩu nguyên, phụ liệu ước đạt 16,2 tỷ USD tăng 30,3% so với cùng kỳ năm 2020. Trị giá xuất siêu trong 8 tháng của ngành đạt 9,73 tỷ USD.

Tuy nhiên, mới đây diễn biến vô cùng phức tạp của đại dịch Covid-19 tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam đã làm nhiều doanh nghiệp dệt may phải đóng cửa, ngừng sản xuất, sản xuất cầm chừng, không thực hiện được đơn hàng, phải giao hàng bằng máy bay hoặc bị khách hàng hủy đơn hàng.

Tổn thất không những về kinh tế mà cả uy tín đối với khách hàng. Kim ngạch xuất khẩu tháng 8/2021 của ngành ước giảm 18,7% so với tháng 7/2021 và giảm 5,8% so với tháng 8/2020.

Đặc biệt hơn, 4 tháng cuối năm 2021 sẽ là khoảng thời gian cực kỳ khó khăn đối với ngành dệt may, do không ít khách hàng chuyển đơn hàng đi nước khác và sẽ thiếu nhân công do nhiều người lao động đã về quê không dễ quay trở lại ngay.

Nếu tình hình dịch bệnh không kiểm soát được trong tháng 9/2021 khả năng ngành chỉ đạt kim ngạch xuất khẩu 33 – 34 tỷ USD và mục tiêu năm 2021 đạt mức thực hiện 39 tỷ USD của năm 2019 sẽ rất xa vời.