Với các chiến lược tiêm chủng hàng loạt chống Covid-19 đang diễn ra trên toàn cầu, sự chênh lệch giàu nghèo càng được thể hiện rõ. Các nước giàu đang ồ ạt tiến hành tiêm chủng trong khi các nước nghèo còn chưa biết tới vắc xin chống virus là gì chứ đừng nói tới phổ cập. Đó là hiện thực không thể chối cãi.
Các nước giàu đang bị cáo buộc tích trữ vắc xin, chủ yếu từ 2 nhà sản xuất Pfizer-BioNTech và Moderna. Điều này đã tạo ra cơ hội cho Trung Quốc, Ấn Độ và một phần nhỏ cho Nga trong việc phát triển, sản xuất và cung cấp vắc xin cho các nước đang phát triển.
Các chuyên gia tin rằng, những nỗ lực này sẽ làm tăng cường ảnh hưởng của 2 nền kinh tế đông dân nhất thế giới và làm sâu sắc mối quan hệ của họ với các quốc gia khác. Điều này rất có lợi cho Trung Quốc khi nền kinh tế số 2 thế giới luôn muốn nâng cao vị thế toàn cầu của mình để cạnh tranh với Mỹ. Điều đó cũng có lợi cho Ấn Độ, quốc gia tỷ dân với nền kinh tế và công nghệ đang vươn lên mạnh mẽ.
“Không chỉ đáp ứng mục tiêu đối ngoại, vắc xin còn làm gia tăng lợi ích thương mại của Trung Quốc và Ấn Độ”, Yanzhong Huang, chuyên gia cấp cao về sức khỏe cộng đồng của Council on Foreign Relations, cho biết. “Đồng thời, nó cũng giúp giảm thiểu sự chênh lệch quá lớn về khả năng tiếp cận vắc xin giữa nước giàu với nước nghèo”.
“Thế giới đang đứng trước bờ vực của một sự thất bại thảm hại về mặt đạo đức và cái giá của sự thất bại này sẽ phải trả bằng mạng sống và sinh kế ở những nước nghèo nhất thế giới”, Tedros Adhanom Ghebreyesus, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết.
Theo ông Ghebreyesus, các nhà sản xuất thuốc ưu tiên phê duyệt theo quy định ở những nước giàu mà họ có lợi nhuận cao nhất thay vì nộp hồ sơ cho WHO để quá trình phân phối toàn cầu được tiến hành thuận lợi nhất.
Thiện chí chính trị và ảnh hưởng
Theo truyền thông, Ấn Độ đã gửi 1 triệu liều vắc xin Covid-19 đến Nepal, 2 triệu liều đến Bangladesh, 150.000 liều đến Bhutan, 100.000 liều đến Maldives và 1,5 triệu liều đến Myanmar. Quốc gia này cũng đã gửi 2 triệu liều vắc xin tới Brazil.
Ấn Độ đã phê duyệt 2 loại vắc xin để sử dụng trong trường hợp khẩn cấp, một loại do AstraZeneca và Đại học Oxford hợp tác phát triển. Nó hiện đang được sản xuất bởi Viện Huyết thanh Ấn Độ. Loại thứ 2 có tên Covaxin, được phát triển trong nước.
Theo Akhil Bery, nhà phân tích Nam Á tại công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, cho rằng ngoại giao vắc xin có thể là cách sử dụng hiệu quả sức mạnh mềm, giúp New Delhi giành được tình bạn và tạo ra sự thiện chí.
Ấn Độ muốn ghi dấu ấn của riêng mình với tư cách là một bên có trách nhiệm toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc muốn cải thiện danh tiếng, vốn bị hoen ố trong giai đoạn đầu của đại dịch Covid-19. Xuất hiện lần đầu ở Vũ Hán cuối năm 2019, Covid-19 nhanh chóng lan ra toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc đã khống chế được dịch.
Sự hào phóng của Ấn Độ với các nước láng giềng có thể giúp hàn gắn mối quan hệ, cho dù đó là với Bangladesh hay Sri Lanka. Ngay cả khi liều lượng vắc xin không nhiều nhưng nó vẫn đủ để giảm bớt áp lực lên hệ thống y tế, cho phép phân bổ nguồn lực sang những nơi khác. Và trong đại dịch, đó là điều rất quan trọng.
Về phía Trung Quốc, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh nên áp lực vắc xin từ hơn 1 tỷ người không quá khủng khiếp. Đó là lý do để Bắc Kinh hướng vắc xin của mình tới các mục tiêu như Đông Nam Á, khu vực có tầm quan trọng chiến lược với Trung Quốc. Ở những quốc gia khác, Trung Quốc cho vay để tài trợ cho các hoạt động mua vắc xin.
Allison Sherlock, chuyên gia về Trung Quốc tại Eurasia Group, cho rằng: “Những lợi ích đối với Trung Quốc chỉ giới hạn trong việc củng cố các mối quan hệ kinh tế và chính trị trong phạm vi ảnh hưởng hiện có của họ ở các khu vực bao gồm Đông Nam Á”.
Mặt trận mới của Trung Quốc – Ấn Độ?
Với bản chất của mối quan hệ Trung – Ấn, các chuyên gia cho rằng nỗ lực của New Delhi và Bắc Kinh trong việc cung cấp vắc xin cho các quốc gia khác khó tránh bị nói là một sự cạnh tranh. Hiện tại, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều không đề cập đến cái gọi là khái niệm ngoại giao vắc xin, trong đó mô tả các mũi tiêm là cần thiết để đối phó với đại dịch toàn cầu.
Cựu đại sứ Ấn Độ Rajiv Bhatia cho biết cho biết vắc xin chủ yếu được sản xuất để đáp ứng nhu cầu trong nước nhưng New Delhi không quên trách nhiệm của mình với thế giới. Ông Bhatia cũng giải thích rằng những nỗ lực của Ấn Độ sẽ giúp nâng cao uy tín quốc tế của các nhà khoa học nước này. Đồng thời, các mũi tiêm sẽ có hiệu quả chống dịch.
“Vấn đề này chẳng có chỗ nào cho cạnh tranh ác ý, chứ đừng nói đến cái gọi là ganh đua. Chúng tôi hy vọng và hoan nghênh những liều vắc xin an toàn và hiệu quả hơn sẽ được nhiều quốc gia sản xuất với tốc độ nhanh hơn”, người phát ngôn Bộ ngoại giao Trung Quốc Zhao Lijian tuyên bố.