Trong một bài viết, Microsoft giải thích rằng họ không còn tiếp tục hỗ trợ Explorer 11, phiên bản mới nhất và cũng là phiên bản cuối cùng của trình duyệt Internet Explorer huyền thoại, kể từ ngày 30/11/2020. Trong khi đó, các dứng dụng Microsoft 365 cũng như các dịch vụ khách sẽ ngừng hỗ trợ trình duyệt này vào năm tới.
Thay thế cho Internet Explorer là Microsoft Edge, trình duyệt mới dựa trên mã nguồn mở Chromium do Google phát triển cho Google Chrome. Nó mang lại cho Edge nhiều tính năng hơn so với Internet Explorer.
Trong khi đó, phiên bản Edge cũ không sử dụng mã nguồn mở Chromium cũng sẽ bị khai tử vào ngày 9/3/2021.
Với nhiều trang web và ứng dụng vẫn sử dụng Internet Explorer, Microsoft đang cố gắng tránh phải duy trì hai trình duyệt hoạt động song song. Thay vào đó, một chế độ kế thừa Internet Explorer trên Microsoft Edge sẽ cho phép người dùng tiếp tục tận hưởng những lợi ích của công nghệ mới nhưng vẫn duy trì được sự phù hợp của công nghệ cũ với các ứng dụng của mình.
Thực tế, việc khai tử Internet Explorer và các trình duyệt không được xây dựng trên nền tảng Chromium của Microsoft đã diễn ra trong nhiều năm nay. Internet Explorer 8, 9 và 10 đã ngừng hoạt động vòa năm 2016, một năm sau khi Microsoft Edge được giới thiệu.
Điều này cũng đồng nghĩa với những ảnh hưởng lớn hơn của Google trong các trình duyệt, nhất là khi Chromium không chỉ là nền tản của Google Chrome mà còn của Microsoft Edge, Brave, Vivaldi, Avast Secure Browser và Opera.
Dẫu vậy, Edge cũng có các tính năng giúp nó khác biệt so với Chrome. Người dùng có thể bật tính năng bảo vệ đẻ tránh bị theo dõi cũng như chặn quảng cáo và hầu như tất cả những sự can thiệp của bên thứ 3.
Được phát hành lần đầu ngày 16/8/1995, Internet Explorer là một phần của các hệ điều hành Windows. Nó từng nhiều năm giữ danh hiệu trình duyệt được nhiều người sử dụng nhất thế giới. Đỉnh cao trong giai đoạn 2002-2003, có tới 95% số người dùng Internet dùng Internet Explorer để duyệt web.
Tuy nhiên, sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các trình duyệt khác, trong đó đáng kể nhất là Mozilla Firefox, đã khiến IE mất dần thị phần. Sau này, sự xuất hiện của Google Chrome và các trình duyệt khác khiến IE thực sự lâm vào thế khó. Việc bị thất sủng khiến Microsoft không còn mặn mà đổ tiền để cứu lấy biểu tượng một thời.
Ở thời điểm hiện tại, Google Chrome đang chiếm 68,91% thị phần trình duyệt web. Đứng sau là Mozilla Firefox với 9,25% thị phần và Safarin với 8,68% thị phần. Cả Microsoft Edge và Internet Explorer chỉ chiếm khiêm tốn 4,51% và 4,45% thị phần. Số còn lại là 4,3% thị phần cho các trình duyệt khác.
Với việc khai tử IE, Microsoft cũng sẽ đẩy mạnh Edge để có khả năng cạnh tranh với các đối thủ. Với những ứng dụng được tích hợp sẵn với IE, người dùng vẫn có thể dùng chúng trên Edge trong thời gian chuyển tiếp.
Tuy nhiên, với nhiều người, việc khai tử IE không phải quyết định bất ngờ bởi Microsoft đã có nhiều năm chuẩn bị cho việc này. Tuy nhiên, nó vẫn để lại sự tiếc nuối, nhất là khi IE là trình duyệt gắn bó với hầu hết mọi người khi Internet bắt đầu bùng nổ.