Đây là lý do tại sao kịch bản ‘taper tantrum’ năm 2013 sẽ không lặp lại

Đây là lý do tại sao kịch bản ‘taper tantrum’ năm 2013 sẽ không lặp lại

Khi các quan chức Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu thảo luận về việc rút lại các chính sách “tiền rẻ” vào năm 2013, sự lo lắng của nhà đầu tư đã khiến thị trường rơi vào tình trạng hỗn loạn. Lợi suất trái phiếu kho bạc tăng, giá trái phiếu rác lao dốc và thị trường chứng khoán cũng biến động mạnh. Tất cả những diễn biến đó được gọi là “taper tantrum” và khiến Fed phải suy nghĩ lại trong nhiều tháng để rồi trì hoãn kế hoạch.

Song, điều ngược lại đang diễn ra ở hiện tại: Fed báo hiệu rằng họ bắt đầu thảo luận về việc giảm quy mô của các chương trình mua trái phiếu vốn được đưa ra trong thời kỳ đại dịch, nhưng nhà đầu tư lại tỏ ra khá bình tĩnh. Thị trường chứng khoán các nền kinh tế mới nổi đã tăng 5% trong năm nay, lợi suất trái phiếu rác giảm và sự biến động chung trên thị trường chứng khoán cũng đang dịu lại. Nói tóm lại, thị trường vẫn đang khởi sắc.

Jeremy Stein – giáo sư kinh tế tại Đại học Harvard và là cựu thống đốc Fed, cho hay: “Vài tháng qua, tôi đã khá lo lắng rằng ở một thời điểm nào đó, thị trường sẽ cho rằng những biện pháp hỗ trợ sẽ bị rút lại sớm hơn dự kiến và chính yếu tố đó sẽ trở thành một vấn đề.”

Trên thực tế, sự hoảng loạn lại không xảy ra và có 2 cách giải thích: một là ôn hòa và thứ hai là bi quan.

Lời giải thích tích cực hơn là Fed đã có những bình luận hiệu quả hơn trong việc chuẩn bị tinh thần cho nhà đầu tư về việc thay đổi chính sách so với năm 2013. Thị trường phần lớn cũng đồng ý với cách tiếp cận của NHTW. Fed bắt đầu nói về việc cắt giảm chương trình mua trái phiếu và chứng khoán thế chấp 120 tỷ USD. Các quan chức cũng thay đổi kỳ vọng về đợt nâng lãi suất sớm hơn 1 chút so với cách đây vài tháng.

Trong khi lạm phát đã tăng mạnh hơn dự kiến của Fed, phần lớn các thành viên đều tin rằng giá tiêu dùng cao hơn là do những yếu tố tạm thời, chẳng hạn như gián đoạn trong hoạt động sản xuất khi nền kinh tế mở cửa trở lại. Giới chức cho rằng, những “nút thắt” đó sẽ được tháo gỡ dần và đang thực hiện kế hoạch một cách từ từ, giúp nhà đầu tư dần thích nghi.

Còn lời giải thích tiêu cực là Fed sẽ phải thay đổi chính sách một cách đột ngột hoặc mạnh mẽ hơn dự kiến. Sau đó, thị trường sẽ “choàng tỉnh”. William Dudley – cực chủ tịch Fed New York, cho biết: “Thị trường cảm thấy rất thoải mái khi lãi suất ngắn hạn không tăng nhiều trong thời gian qua.”

Dudley và Stein đều là quan chức của Fed trong thời điểm xảy ra “taper tantrum” năm 2013. Giống như hiện tại, khi đó, Fed bắt đầu báo hiệu vào mùa xuân rằng họ đang cân nhắc về sự thay đổi trong chính sách. Tuy nhiên, bối cảnh khi đó lại khác, một phần vì Fed và các nhà đầu tư đều chưa có lộ trình rõ ràng về những gì sẽ diễn ra tiếp theo.

Năm 2013, NHTW đã không đưa ra chính sách nới lỏng định lượng (QE). Nhiều nhà đầu tư không chắc chắn về thời điểm và cách thức động thái đó kết thúc. John Bellow – nhà quản lý danh mục đầu tư trái phiếu tại Western Asset, cho biết: “Nới lỏng định lượng vô thời hạn (QE infinity) là một cụm từ thường được thảo luận. Khi Fed cho biết chính sách này không tiếp diễn mãi mãi, một số người đã bị sốc và nhận thấy danh mục đầu tư bị xáo trộn.”

Ở lần này, viễn cảnh xảy ra việc Fed kết thúc chương trình mua trái phiếu lại ít đáng sợ hơn đối với nhà đầu tư. Họ đã “sống sót” qua những lần Fed không chỉ giảm tốc độ mua tài sản mà còn thực sự là cắt giảm quy mô tài sản nắm giữ trong năm 2018 và 2019. Jim Vogel – chiến lược gia về lãi suất tại FHN Financial, nhận định: “Ít nhất, thị trường có niềm tin rằng Fed đã rút ra bài học trong quá khứ.”

Hiện tại, thị trường cũng có một chút lợi thế. Lợi suất trái phiếu Kho bạc 10 năm đã tăng khoảng 0,75% trong 3 tháng đầu năm, khi hoạt động kinh doanh hồi phục trở lại và đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, đưa ra những gói kích thích lớn.

Lợi suất trái phiếu dài hạn đã chững lại, một phần bởi nhà đầu tư không tin rằng Fed sẽ nâng lãi suất ngắn hạn quá mạnh tay trong những năm tới, dù họ thực hiện sự thay đổi sớm hơn dự kiến. Thị trường hợp đồng tương lai cũng cho thấy rằng nhà đầu tư kỳ vọng Fed sẽ ngừng tăng lãi suất ngắn hạn, giữ ở mức 2% trong những năm tới giống năm 2019.

Một vấn đề đối với thị trường là trường hợp lộ trình cũ của Fed không hiệu quả trong một nền kinh tế mới hậu đại dịch. Lạm phát đã khiến giới chức Fed ngạc nhiên vào năm 2013 vì quá ảm đạm. Liệu xu hướng tương tự có tái diễn khi chính sách tài khóa chuyển từ hạn chế sau cuộc suy thoái 2008-2009 sang nới lỏng như hiện nay và khi đại dịch có khả năng gây sự xáo trộn lâu dài trong thị trường việc làm cũng như nền kinh tế hay không?

Ông Stein không chắc chắn về điều này. Ông cho biết: “Fed không thể hỗ trợ thị trường nếu có yếu tố bất ngờ về lạm phát.” Ông nói rằng, chủ tịch Fed Jerome Powell đã rất khéo léo trong việc thay đổi lập trường khi cần thiết. Dù thị trường không biến động trong thời gian này, nhưng ông Powell có thể cần đến sự nhanh nhẹn tương tự trong vài tháng tới.

Trong cuộc họp báo ngày 16/6, ông Powell đã phát biểu: “Chúng tôi sẽ làm những gì có thể để tránh biến động cho thị trường. Nhưng khi đạt được mục tiêu về kinh tế vĩ mô, chúng tôi sẽ điều chỉnh cho phù hợp.”

Tham khảo Wall Street Journal