Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) vừa công bố biên bản họp ĐHĐCĐ Thường niên được tổ chức hôm 29/4.
Tại cuộc họp, cổ đông ngân hàng đã đặt câu hỏi xung quanh kế hoạch kinh doanh năm 2020 của ngân hàng khi dịch Covid-19 tác động mạnh tới nền kinh tế.
Bà Lê Thu Thuỷ, Tổng Giám đốc SEABank cho biết, ngay từ đầu năm 2020, SeABank đã tiến hành rà soát lại tình hình tài chính, tình hình dòng tiền chuyển về và tài sản bảo đảm tại ngân hàng. Hiện nay, SeABank đã duy trì tỷ lệ cho vay trên TSBĐ là 50% nên đủ để bảo đảm cho khoản vay. Riêng bất động sản là 70%.
“Chúng tôi đã tiến hành stress test theo các kịch bản khác nhau, ví dụ như TSBĐ giảm giá, ngân hàng sẽ đưa ra lộ trình cho doanh nghiệp, đưa tài sản bảo đảm bổ sung, hỗ trợ lãi suất cho khác hàng trong thời gian này”, bà Thủy nói.
Đối với nợ xấu, SeABank đã thử nghiệm 3 kịch bản với mức 1%, 2%, 3% và có biện pháp xử lý cụ thể cho từng kịch bản để đảm bảo luôn duy trì tỷ lệ nợ xấu dưới 3% theo quy định. Danh mục dư nợ của ngân hàng cũng đang được đa dạng hóa các ngành nghề và đảm bảo tỷ lệ không quá 10% là khách hàng lớn. Vì vậy, trước diễn biến của dịch Covid-19, không ảnh hưởng đến toàn bộ danh mục của SeABank.
Về hoạt động của công ty tài chính bưu điện (PTF), PTF đã đưa ra sản phẩm cho vay đầu tiên tới thị trường vào tháng 12/2019 là sản phẩm cho vay tiền mặt. Tuy nhiên, sang đầu năm 2020, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, PTF đã thay đổi chiến lược phát triển kinh doanh dựa trên các kênh bán hàng và cộng tác viên trên toàn quốc. Hiện PTF đang triển khai qua kênh fintech và các đối tác chiến lược như VNPT, BRG, VNPOST,…Trước mắt, PTF sẽ triển khai bán hàng qua kênh đối tác. Năm 2020 vẫn là năm khiến tốn về lợi nhuận của PTF vì tiếp tục đầu tư công nghệ và cơ sở vật chất để hoạt động. Khi tình hình kinh tế vĩ mô ổn định hơn, PTF sẽ triển khai bán hàng qua hệ thống CTV và các kênh khác.
Tại cuộc họp, ĐHĐCĐ cũng đã thông qua kế hoạch năm 2020 với tăng trưởng dư nợ tín dụng 13,6%, tương đương gần 14.000 tỷ đồng. Nguồn huy động khách hàng và giấy tờ có giá tăng 13,8%, tương đương 15.300 tỷ đồng so với năm 2019.
Tổng tài sản dự kiến tăng 12% lên 175.600 tỷ đồng. Ngân hàng đặt mục tiêu lãi trước thuế 1.506 tỷ đồng, tăng 8% so với thực hiện năm 2019. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 3%.
SeABank cũng sẽ tăng vốn điều lệ thêm 2.719 tỷ đồng, lên 12.088 tỷ đồng, thông qua 2 đợt. Ngân hàng sẽ trả cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 14%, tương đương phát hành 131,166 triệu cổ phiếu. Nguồn thực hiện được trích từ lãi sau thuế 2019. Đợt còn lại là chào bán gần 141 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 15% với giá 10.000 đồng/cp.
Với số tiền thu về, ngân hàng sẽ đầu tư 80 tỷ đồng cho đầu tư tài sản cố định và 1.789 tỷ đồng cho vay khách hàng doanh nghiệp và cá nhân, còn lại sẽ đầu tư bổ sung các khoản trái phiếu có độ rủi ro thấp như trái phiếu tổ chức tín dụng và trái phiếu Chính phủ.
Ngân hàng cũng dự kiến niêm yết cổ phiếu SeABank trên HoSE. Đây là năm thứ 3 liên tiếp SeABank bán đến kế hoạch này, nhưng 2 năm trước chưa thể thực hiện.