Tại ĐHĐCĐ bất thường hôm nay (3/11), ông Trần Minh Bình – Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, mặc dù dành hơn 8.000 tỷ đồng để hỗ trợ giảm lãi, phí cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đến hết quý 3/2021, các chỉ số tài chính của Vietinbank về cơ bản vẫn đạt và đáp ứng yêu cầu ĐHĐCĐ đặt ra.
Cụ thể, tổng tài sản cuối quý 3 đạt 1,447 triệu tỷ đồng. Tiền gửi khách hàng đạt 1,072 triệu tỷ. ROA, ROE lần lượt 1,3% và 16,1%. CIR đạt 28,9%.
Chủ tịch VietinBank cũng cập nhật một số kết quả đạt được đến cuối tháng 10. Trong đó, tổng tài sản tăng 8,1% so với đầu năm, huy động nguồn vốn tăng gần 8% trong đó chủ yếu nhờ nguồn vốn thị trường 1 tăng 10%. Tín dụng 10 tháng đầu năm tăng khoảng 8%, gần mức mà NHNN giao cho VietinBank. Các chỉ số khác được đảm bảo, như LDR đạt 82,86%, CAR 9%.
Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,6%. Tỷ lệ nợ nhóm 2 là 0,62%. Nợ cơ cấu theo Thông tư 01, Thông tư 03 khoảng 2.000 khách hàng với 10.392 tỷ đồng dư nợ.
Lãnh đạo ngân hàng cho biết, do tác động của Covid-19, ngân hàng chủ trương tăng cường trích lập dự phòng. “Chúng ta tăng cường sự thận trọng, để nếu năm 2022 có những biến cố thì VietinBank vẫn có bộ đệm dự phòng tốt”, ông Trần Minh Bình nói với các cổ đông.
Ông cũng khẳng định, chỉ tiêu nợ xấu vẫn đảm bảo đúng mục tiêu đã được ĐHĐCĐ đặt ra, dự kiến đến cuối năm kiểm soát ở mức 1,4%, đồng thời ngân hàng sẽ đưa tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 169%. Chi phí dự phòng năm 2021 dự kiến đẩy lên 17.000 tỷ đồng, trích hơn mức yêu cầu, trên cơ sở tăng cường thận trọng.
Trong những tháng còn lại của năm, ngân hàng sẽ quyết liệt triển khai các giải pháp cốt lõi, như kiểm soát chi phí vốn, tăng tỷ lệ CASA trong tổng huy động; đồng thời thúc đẩy hoạt động thu ngoài lãi; tập trung tín dụng vào các lĩnh vực sinh lời tốt cho ngân hàng như SME, bán lẻ,…đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn.
Về hợp đồng bancassurance với Manulife, lãnh đạo VietinBank dự kiến ghi nhận thu nhập trong quý 1/2022. Ngoài ra, việc thoái vốn khỏi các công ty con, công ty liên kết dự kiến triển khai trong quý 1 hoặc quý 2/2022.