Sở hữu lợi thế nhiều dự án PPP, cổ phiếu HHV được chuyên gia kinh tế khuyến nghị đầu tư

Sở hữu lợi thế nhiều dự án PPP, cổ phiếu HHV được chuyên gia kinh tế khuyến nghị đầu tư

Đầu tư hạ tầng giao thông theo phương thức PPP sử dụng nguồn vốn ngân sách, vốn nhà đầu tư và vốn huy động là phương án giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước, góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả phát triển kinh tế – xã hội đất nước. Dưới góc độ một chuyên gia kinh tế, xin PGS. TS. Trần Đình Thiên cho biết quan điểm của ông về việc làm thế nào để đa dạng hóa nguồn vốn huy động trong các dự án đầu tư PPP nói chung và các dự án PPP hạ tầng giao thông nói riêng?

PGS.TS Trần Đình Thiên

Trên thế giới, đầu tư PPP (đối tác công – tư) bắt đầu từ những năm 1990. Việc huy động nguồn vốn PPP được triển khai phổ biến và đa dạng, không phụ thuộc vào ngân hàng.

Tại Việt Nam, hình thức đầu tư PPP trong lĩnh vực hạ tầng giao thông phát triển mạnh mới trong khoảng 10 năm trở lại đây, chủ yếu dưới hình thức đầu tư BOT (xây dựng – vận hành – chuyển giao). Đối với đầu tư PPP, ngoài nguồn vốn ngân sách Nhà nước và vốn của nhà đầu tư tư nhân, nguồn vốn huy động từ xã hội đóng vai trò quan trọng. Thực tế ở nước ta hiện nay, các Nhà đầu tư hạ tầng giao thông vẫn nghĩ đến việc sử dụng vốn vay tín dụng làm nguồn huy động chính để đầu tư theo hình thức PPP. Cách làm này có những giới hạn ngặt nghèo. Nó làm cho nhà đầu tư, cũng tức là dự án, bị lệ thuộc vào các ngân hàng thương mại, trong khi bản thân các ngân hàng này, với thực lực tài chính có hạn, chịu áp lực cho vay một lượng vốn khổng lồ.

Chúng ta biết, một dự án giao thông cần huy động nguồn vốn rất lớn, phương án hoàn vốn kéo dài hàng chục năm. Thời gian qua, các ngân hàng thương mại nhiều lần lên tiếng không ưu tiên cho vay dài hạn. Họ liên tục phát đi thông điệp, giới hạn hạn mức cho vay trong lĩnh vực BOT khi đã chạm ngưỡng hệ số an toàn.

Cho nên, có thể thấy việc Chính phủ khuyến khích nhà đầu tư nghiên cứu các phương án huy động vốn khác ngoài ngân hàng để giải quyết bài toán vốn (Nghị định 28/2021/NĐ-Chính phủ) có giá trị tích cực to lớn. Nguồn vốn đó có thể đến từ các định chế tài chính, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…. thông qua các hợp đồng hợp tác đầu tư (BCC), phát hành trái phiếu…

Hiện nay, Công ty cổ phần Hạ tầng giao thông Đèo Cả đang triển khai các thủ tục niêm yết chứng khoán trên Sở giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) để thu hút vốn từ các nhà đầu tư tư nhân và các quỹ tham gia đầu tư các dự án hạ tầng giao thông do Công ty thực hiện. Tôi cho rằng đây là giải pháp huy động vốn mang nhiều hy vọng, mở ra cơ hội thúc đẩy đầu tư hạ tầng giao thông trong bối cảnh vốn tín dụng ngày càng khó khăn.