Những lệnh cấm được mô tả là “chưa từng có” xuất hiện vài ngày sau cuộc xung đột chết chóc ở biên giới Ấn – Trung khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Trong động thái mới nhất, Ấn Độ nhằm mục tiêu vào những công ty công nghệ nổi bật nhất của Trung Quốc, trong đó có gã khổng lồ mới nổi ByteDance Ltd., công ty sở hữu ứng dụng TikTok.
Ngoài ra, UC Web của Alibaba, WeChat của Tencent và nền tảng bản đồ và dịch thuật của Baidu cũng nằm trong danh sách bị cấm tại Ấn Độ. New Delhi cho rằng những ứng dụng Trung Quốc là mối đe dọa với chủ quyền và an ninh của họ.
Động thái mới nhất của Ấn Độ không chỉ đánh dấu sự leo thang căng thẳng với Trung Quốc mà còn là nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào sản phẩm của quốc gia láng giềng cũng như nỗ lực ngăn chặn các tập đoàn lớn nhất của Trung Quốc gây ảnh hưởng lên đất nước của họ. TikTok hiện đang là ứng dụng thành công nhất của Trung Quốc bên ngoài lãnh thổ và Ấn Độ cũng là thị trường quốc tế lớn nhất của ByteDance.
Phản ứng trước động thái của Ấn Độ, start-up giá trị nhất thế giới tuyên bố rằng họ muốn hợp tác với Chính phủ của Thủ tướng Modi để cải thiện an ninh cho hàng trăm triệu người dùng nước này. ByteDance hiện có khoảng 2.000 nhân viên ở Ấn Độ.
Việc truyền và lưu trữ trái phép dữ liệu của người dùng Ấn Độ trong các máy chủ ở nước ngoài và việc khai thác những dữ liệu này để tìm ra những yếu tố thù địch với an ninh và quốc phòng của Ấn Độ là vấn đề đáng quan ngại sâu sắc. Chính vì vậy, các biện pháp “khẩn cấp” đã được nhà chức trách Ấn Độ đưa ra để ngăn chặn.
Tuy nhiên, chưa thể xác định lệnh cấm sẽ được thực thi như thế nào vì hầu hết các ứng dụng này đã được lưu trữ trên điện thoại của người dùng. Chính phủ Ấn Độ có thể chặn các máy chủ để người dùng không thể tải xuống mới nhưng với người dùng cũ thì không thể xác định. Lệnh cấm này cũng sẽ gây ảnh hưởng tới 1/3 số người sử dụng điện thoại thông minh ở Ấn Độ.
Lệnh cấm mới có nguy cơ làm leo thang căng thẳng giữa 2 nền kinh tế đông dân nhất thế giới. Khi tình hình biên giới sôi sục trong gần 2 tháng qua trở nên tồi tệ hơn, các quan chức hải quan Ấn Độ đã tạm dừng thông quan các lô hàng công nghiệp đến từ Trung Quốc ở các cảng và sân bay lớn của nước này.
Hiện tại, người dùng trên mạng xã hội Ấn Độ đang lên tiếng ủng hộ quyết định của Chính phủ. Nirmal Jain, Chủ tịch công ty dịch vụ tài chính IIFL Group, viết trên Twitter: “Đâu là lúc phải đưa ra những quyết định khó khăn nhằm thoái khỏi sự thống lĩnh của Trung Quốc trên môi trường mạng”.
Mặc dù việc cấm các sản phẩm phần cứng do Trung Quốc sản xuất là thách thức với nền kinh tế lớn thứ 3 châu Á nhưng việc phong tỏa các ứng dụng Trung Quốc, từ chơi game tới tin tức hay bán lẻ trực tuyến được mô tả là rất quan trọng với Ấn Độ. Quốc gia này hiện có khoảng nửa tỷ người dùng Internet và là thị trường màu mỡ mới nổi cho các công ty công nghệ toàn cầu, từ Mỹ tới Trung Quốc.