Ý kiến được ông Trần Hoàng Ngân, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM nêu khi thảo luận tại tổ Đoàn đại biểu Quốc hội TP ngày 21/10.
Ngày 21/10, tại chương trình Kỳ họp thứ 2, Quốc hội Khoá XV, Quốc hội tổ chức phiên thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2022; về công tác phòng, chống dịch COVID-19; tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2021, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2022 và kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm 2022-2024.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Trần Hoàng Ngân cho rằng, dịch COVID-19 đã gây thiệt hại kinh tế của Việt Nam trong 2 năm qua là rất lớn. Trong năm 2020, dự kiến tăng trưởng 6,8% nhưng cả năm chỉ tăng 2,9%. Năm 2021, dự kiến tăng trưởng 6%, tuy nhiên khả năng thực hiện không quá 3%. Tức là 2 năm, cả nước thiệt hại khoảng 7% GDP, tương đương thiệt hại gần 24 tỷ USD.
Về thu ngân sách, 2 năm qua cả nước giảm khoảng 150.000 tỷ đồng. Riêng TP, mức thiệt hại trong 2 năm chiếm khoảng 50% của cả nước, giảm khoảng 70.000 tỷ đồng thu ngân sách.
Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị, trong thời gian tới, Trung ương và các tỉnh, thành cần sớm ngồi lại để nối lại các đứt gãy từ khủng hoảng, vì chính các đứt gãy làm tăng chi phí, tăng giá cả hàng hóa, không đảm bảo cung lao động.
Cũng theo Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP, hiện nay doanh nghiệp đang gặp rất nhiều khó khăn với mặt bằng lãi suất cho vay 6-8%, thậm chí 9%. Với lãi suất này, doanh nghiệp rất khó khăn để hồi phục.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị, Chính phủ dành nguồn lực đủ lớn, khoảng 20.000-40.000 tỷ đồng, để hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp. Như vậy, có thể hỗ trợ cho dư nợ khoảng 1 triệu tỷ đồng (chiếm 10% trong tổng số dư nợ 10 triệu tỷ đồng), tập trung cho những lĩnh vực có thiệt hại nặng nề nhất, như du lịch, hàng không, hỗ trợ phát triển kinh tế số, chuyển đổi số…
Về đầu tư công, ông Trần Hoàng Ngân cho rằng, năm nay cả nước mới giải ngân hơn 47% (216.500 tỷ đồng). Dự kiến đến hết 31/1/2022 cũng chưa thể giải ngân hết 53% còn lại. Đầu tư công là động lực để thúc đẩy, là vốn mồi để thu hút đầu tư xã hội, nhất là đầu tư cho hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng y tế đang khao khát các dự án.
Theo đại biểu này, riêng tại TP, 1 đồng vốn đầu tư công của TP thu hút 10 đồng vốn đầu tư xã hội. Cho nên rất cần giải quyết bài toán đầu tư công mới có thể thu hút vốn đầu tư xã hội. Ông Trần Hoàng Ngân đề nghị Quốc hội cho phép chuyển tiếp thời gian thực hiện giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 kéo dài đến hết năm 2022, thay vì mốc 31/1/2022.