Đức Long Gia Lai nói về dư nợ, nợ và việc thay đổi CEO

Đức Long Gia Lai nói về dư nợ, nợ và việc thay đổi CEO

Thưa ông, trong BCTC 6 tháng đầu năm 2021 đã được soát xét, có 2 vấn đề mà Công ty kiểm toán Chuẩn Việt nhấn mạnh liên quan đến khoản nợ 1.800 tỷ đồng quá hạn và khoản cho vay 2.400 tỷ đồng không có tài sản đảm bảo. Vậy ông có thể giải thích rõ ràng về vấn đề này?

Các năm trước đây, doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng ấn tượng. Đầu năm 2020 Covid-19 ập đến đã khiến Đức Long Gia Lai chịu ảnh hưởng nặng nề. Doanh thu ngay lập tức sụt giảm 30% kéo theo lợi nhuận, đồng thời các loại chi phí tăng cao đột ngột, điều đó khiến DLG chịu lỗ gần 900 tỷ đồng. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu và lợi nhuận của DLG là điều dễ hiểu.

Chính vì vậy, trong thời gian qua dư luận đã có một số thông tin chưa tốt, gây phản cảm, bất lợi đến hoạt động sản xuất kinh doanh của DLG như: nợ quá hạn, nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục. Thực tế đã chứng minh, không phải bây giờ mà trước đây, hiện tại và kể cả sau này, không chỉ DLG mà nhiều doanh nghiệp khác cũng phải chấp nhận sống chung với dư luận như sống chung với Covid-19 đó thôi.

Xin ông nói rõ hơn về khoản nợ 1.800 tỷ đồng quá hạn và khoản mà Tập đoàn ĐLG cho các đối tác vay 2.400 tỷ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo?

Về chuyện Đức Long Gia Lai đã cho một số tổ chức, cá nhân vay với số tiền khoảng 2.400 tỷ đồng, các khoản vay này không có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của bên thứ ba. Tôi khẳng định rằng, việc DLG cho các công ty đối tác vay khoản tiền trên là không trái với quy định của pháp luật, việc này hết sức bình thường trong hoạt động của hàng ngàn doanh nghiệp khác ở Việt Nam.

Xét khía cạnh tổng quan thì khoản cho vay này nhỏ hơn 35% tổng giá trị tài sản của DLG và cũng đã được Hội đồng Quản trị thông qua chủ trương thực hiện. Các khoản cho vay này chúng tôi cũng đã “chọn mặt gửi vàng”, hầu hết những cá nhân, tổ chức vay là khách hàng, đối tác làm ăn uy tín lâu năm với DLG và họ trả lãi đúng, đủ theo định kỳ. Chúng tôi cũng đã có kế hoạch lần lượt thu hồi công nợ, tuy nhiên do sự tác động của đại dịch Covid-19 đã khiến các đối tác, khách hàng của chúng tôi chịu ảnh hưởng nặng nề. Vì vậy việc thu hồi công nợ chậm trễ hơn so với kế hoạch đề ra.

Còn chuyện khoản nợ phải trả đã quá hạn tại các ngân hàng với giá trị ước tính là 1.800 tỷ đồng, điều này khiến kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của Đức Long Gia Lai. Vấn đề này, tôi cũng đã giải thích nhiều lần rồi. Trong bối cảnh hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 thì DLG Group cũng không phải là ngoại lệ.

Doanh thu ở các lĩnh vực đều giảm mạnh, cộng với việc thu hồi công nợ của khách hàng chậm trễ, không đúng kế hoạch đề ra nên việc thanh toán nợ đến hạn cũng bị ảnh hưởng theo. Tuy nhiên, tài sản đảm bảo cho các khoản vay đang quá hạn tại các tổ chức tín dụng là đảm bảo 200%, đủ để các tổ chức tín dụng, ngân hàng yên tâm một khi muốn xử lý tài sản thu hồi nợ và không ảnh hưởng đến việc hoạt động liên tục của DLG.

Chúng tôi cũng đã xây dựng lộ trình cấu trúc toàn diện tài chính, đàm phán với các tổ chức tín dụng đề nghị miễn giảm lãi, kéo dài thời gian trả gốc. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành pháp lý của các dự án thủy điện, điện mặt trời, điện gió và lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản nhà ở để đàm phán đối tác huy động vốn nhằm tất toán các khoản nợ quá hạn trong thời gian sắp đến, chậm nhất đến ngày 31/12/2023.

Tôi khẳng định, hiện nay tình hình sản xuất kinh doanh của công ty vẫn đang diễn ra, hoạt động ổn định bình thường, đảm bảo doanh thu và lợi nhuận năm 2021 theo kế hoạch, ổn định thu nhập cho người lao động, nộp bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước. Công ty cũng đã nhận được sự cam kết chính thức từ các thành viên góp vốn, trong đó có cá nhân tôi về việc cung cấp cho Tập đoàn các gói hỗ trợ tài chính cần thiết để có thể thanh toán đầy đủ các nghĩa vụ nợ đến hạn trong thời gian ít nhất 12 tháng kể từ ngày kết thúc báo cáo tài chính năm.

Trong giai đoạn sắp tới, DLG tiếp tục đẩy mạnh tái cấu trúc toàn diện công ty để tạo đà tăng trưởng bền vững, tập trung đầu tư vào các lĩnh vực, ngành nghề có lợi thế đã được Chính phủ, các bộ ngành, các tỉnh thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư. Kiên định chiến lược phát triển của DLG trong giai đoạn 5 năm (2021 – 2025) và có tính đến năm 2030 sẽ tập trung vào 4 lĩnh vực mũi nhọn: sản xuất kinh doanh điện tử và linh kiện điện tử; năng lượng sạch (thủy điện, điện gió và điện mặt trời); cơ sở hạ tầng thu phí; bất động sản nhà ở và khu công nghiệp.

Cần phải nói thêm rằng, mặc dù bị nghi ngờ về khả năng hoạt động liên tục và có những thông tin một chiều về DLG, nhưng cổ phiếu DLG từ đầu năm 2021 đến nay giao dịch ngoạn mục, cổ phiếu DLG có ngày khớp lệnh giao dịch hơn 50 triệu đơn vị, chốt ngày 6/10/2021 giao dịch khớp lệnh gần 12 triệu đơn vị, giá khớp lệnh trên 5.000 đồng/cổ phiếu, tăng trên 240% trong vòng một năm qua. Điều này chứng tỏ có rất nhiều cổ đông, nhà đầu tư tin tưởng và đồng thuận về chiến lược trung dài hạn của chúng tôi, đánh giá đúng tiềm năng phát triển của DLG trong thời gian sắp tới.