Tuy nhiên, khi thị trường chứng khoán Nhật Bản bắt đầu tăng trưởng mạnh từ cách đây vài năm, thì giới truyền thông cũng nhắc đến “giới siêu giàu”.
Vậy một người giàu ở Nhật Bản được định nghĩa như thế nào? Theo Atsushi Miura – tác giả của cuốn sách “The New Rich” xuất bản vào năm 2016, ngành tài chính coi một người là giàu có nếu thu nhập hàng năm của họ trên 30 triệu yên và sở hữu khối tài sản ít nhất 100 triệu yên. Khoảng 1,3 triệu người Nhật sở hữu khối tài sản có giá trị như vậy, tương đương 1% dân số. Ngoài ra, một cách khác để định nghĩa người giàu ở Nhật Bản đó là họ thường sống bằng các khoản lãi từ tài sản của mình – họ thường không chi tiêu khoản tiền trong số tài sản đó.
Trong nghiên cứu của Miura, ông chỉ ra 1% người dân Nhật Bản thường tránh sự phô trương. Họ không xây những căn biệt thự hoành tráng và coi đó một việc phung phí tiền bạc. Song, người giàu Nhật Bản sẽ chi tiền cho những sở thích không hữu hình, như xem các buổi biểu diễn nghệ thuật, hòa nhạc. Họ không chi tiền để mua siêu xe hay trang sức đắt tiền.
Miura cũng nhận thấy rằng, người giàu Nhật Bản ở thế hệ mới có xu hướng hướng đến thị trường nội địa nhiều hơn. Họ thường mua đồ của Nhật Bản sản xuất và du lịch trong nước. Họ thích uống loại rượu nihonshu đắt tiền hơn là rượu ngoại. Thực chất, đây không chỉ là vấn đề về hương vị mà họ muốn thể hiện trách nhiệm của công dân. Người giàu hiểu địa vị của họ trong xã hội và biết rằng Nhật Bản cần tiền của họ.
Dẫu vậy, họ vẫn cố gắng để “né” thuế tài sản. Do đó, họ có thể mang tài sản ra nước ngoài. Đến năm 2017, chính phủ Nhật Bản đã yêu cầu những người có tài sản ở nước ngoài từ 50 triệu yên trở lên phải báo cáo.
Một đặc điểm khác của người giàu đó rất có ý thức làm giàu. Ở thế hệ trước, giới siêu giàu coi việc sở hữu nhiều tiền là điều đương nhiên, họ không quan tâm đến tài sản của mình. Suy nghĩ ở thế hệ mới thay đổi chủ yếu là do họ xây dựng khối tài sản nhờ nỗ lực của bản thân. Ngay cả những người thừa kế cũng có xu hướng chăm chỉ làm việc. Nhật Bản không có khái niệm “người giàu nhàn rỗi”.
Trên thực tế, thế hệ con cái được thừa hưởng ở những phụ huynh giàu có và điều giúp họ trở nên giàu có đó là: chi tiền cho giáo dục và kiến thức về cách vận hành của đồng tiền. Đây là những thứ mà người bình thường ít cơ hội có được hoặc khó có khả năng tiếp cận.
Junji Hatoriya – một chuyên gia đến từ Nomura Research, đã nói về cách người giàu thế hệ mới làm thế nào để duy trì khối tài sản lớn và thế hệ trước lại khá thờ ơ. Ông xác định 3 phân khúc chính của nhóm người có thu nhập cao, đây là nhóm sẽ trở thành người giàu thế hệ mới trong tương lai.
Phân khúc đầu tiên là con cái của những phụ huynh giàu có. Cũng giống như nghiên cứu của Miura, Hatoriya chỉ ra rằng thế hệ sau không nhất thiết sẽ thừa kế tài sản hoặc hy vọng sẽ được thừa kế. Thay vào đó, họ lại học hỏi từ cha mẹ mình và bắt tay thực hiện các chiến lược đầu tư riêng. Chỉ 8% dân số Nhật Bản có kinh nghiệm đầu tư, trong khi 24% con cái của những người có tài sản trên 100 triệu yên có kinh nghiệm. 52% trong số đó có danh mục đầu tư chứng khoán.
Phân khúc khác là những “cặp đôi quyền lực” – đây là những cặp vợ chồng mà cả 2 người đều làm việc và có tổng thu nhập ít nhất 10 triệu yên/năm. 40% các cặp vợ chồng này có kinh nghiệm đầu tư. Đáng chú ý hơn, những người này thường thuê các nhà hoạch định tài chính và chuyên gia để tư vấn về cách quản lý tài sản. Họ chi tiêu thoải mái nhưng chủ yếu là những việc giúp họ có thêm thời gian nghỉ ngơi, như dịch vụ dọn phòng hoặc chăm sóc cá nhân.
Cuối cùng là nhóm trung niên, đã về hưu am hiểu về công nghệ. Họ hiểu cách vận hành của thế giới và tự học cách đầu tư qua internet. Điều này không có nghĩa là họ giao dịch chứng khoán trực tuyến. Họ vẫn đầu tư theo cách cũ là thông qua các nhà môi giới, nhưng vì có kiến thức sâu về xu hướng tài chính, họ có thể thảo luận nghiêm túc với chuyên gia và đưa ra quyết định đúng đắn.
Tham khảo Japan Times