Vaccine Covid-19 có phải “tiên dược” cho kinh tế thế giới?

Vaccine Covid-19 có phải “tiên dược” cho kinh tế thế giới?

Sau một năm nền kinh tế thế giới gục ngã vì cú sốc mà đại dịch Covid-19 gây ra, những tia hy vọng mới đã được thắp lên, khi vaccine ngừa chủng mới của virus corona bắt đầu được tiêm tại nhiều quốc gia.

Một số nhà dự báo cho rằng vaccine có thể mở ra cơ hội cho tăng trưởng toàn cầu hồi phục mạnh mẽ trong 2021, nhưng cũng có những ý kiến cho rằng cần có thời gian nhất định để chiến dịch tiêm chủng Covid-19 phát huy tác dụng hỗ trợ kinh tế.

GIỚI ĐẦU TƯ HƯNG PHẤN

Chỉ một năm sau ngày những ca nhiễm Covid-19 được phát hiện ở Vũ Hán, Trung Quốc, thế giới đã có trong tay một loạt “ứng cử viên” vaccine để ngừa căn bệnh này, bao gồm vaccine của các hãng Pfizer, Moderna, AstraZeneca, Johnson & Johnson, cùng một số vaccine của Nga và Trung Quốc. Nổi bật trong số này là vaccine của Pfizer và của Moderna, hai loại đã chứng minh được khả năng phòng bệnh khoảng 95% trên thử nghiệm lâm sàng giai đoạn cuối.

Một loạt quốc gia như Anh, Mỹ, Canada, Singapore… đã phê chuẩn vaccine của Pfizer, đã khởi động hoặc chuẩn bị mở chiến dịch tiêm chủng toàn dân bằng vaccine này. Anh là quốc gia đầu tiên trên thế giới tiến hành tiêm chủng bằng vaccine Coid-19 của Pfizer. Tại Mỹ, chiến dịch đã bắt đầu vào ngày 14/12.

Để tìm một bằng chứng về hy vọng mà vaccine ngừa Covid-19 mang lại cho kinh tế thế giới, chỉ cần nhìn vào mức độ hưng phấn của thị trường chứng khoán toàn cầu thời gian qua.

Trong tháng 11 và nửa đầu tháng 12, cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ là S&P 500, Dow Jones và Nasdaq liên tục lập kỷ lục mới nhờ những bước tiến liên quan đến vaccine. Hầu như sau mỗi thông tin tích cực về vaccine là một phiên tăng điểm của các chỉ số. Xu hướng tăng cũng được ghi nhận ở các thị trường châu Âu và châu Á. Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương không bao gồm Nhật Bản đã đạt mức cao nhất kể từ khi được thiết lập vào năm 1987.